Về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Cảnh – thuộc Công ty Luật THNH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel

Luật sư Lê Văn Cảnh – thuộc Công ty Luật THNH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội.

 

Các căn cứ pháp lý về chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người phải áp dụng biện pháp cách ly y tế hiện hành bao gồm:

- Thông tư số 32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, người cưỡng chế cách ly y tế;

- Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID -19.

Theo Nghị quyết số 37/NQ-CP, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế bao gồm: Người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp). Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế sẽ được hỗ trợ một số chi phí trong thời gian cách ly, đồng thời có một số chi phí họ vẫn phải tự chi trả. Cụ thể như sau:

1. Các chi phí người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hỗ trợ:

- Tiền ăn: Mức hỗ trợ tiền ăn là 80.0000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế. Đối với địa phương đang hỗ trợ tiền ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế khác mức 80.000 đồng/ngày trước ngày 29/3/2020 thì thanh quyết toán theo số đã chi. Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép quyết định mức hỗ trợ cao hơn.

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương có thể tiếp tục thực hiện theo mức hỗ trợ đã ban hành hoặc điều chỉnh theo mức 80.000 đồng/ngày.

- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế nêu trên được cấp không thu tiền: Nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày.

- Chi trả chi phí khám, chữa bệnh khác đối với trường hợp đang trong thời gian cách ly y tế tập trung mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị. Cụ thể:

+ Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám, điều trị trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí đồng chi trả của người bệnh và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế.

+ Đối với người Việt Nam không có thẻ bảo hiểm y tế thì do ngân sách nhà nước chi trả.

2. Các chi phí người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế phải tự chi trả:

- Trường hợp người bị cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn theo nhu cầu (nếu có), thì phải tự chi trả phần chi phí tăng thêm. Việc yêu cầu cung cấp bữa ăn riêng của người bị cách ly phải phù hợp với điều kiện của cơ sở thực hiện cách ly y tế.

- Người nước ngoài tự chi trả chi phí khám, điều trị đối với trường hợp đang trong thời gian cách ly y tế tập trung mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị.

- Các chi phí khác phát sinh theo nhu cầu (nếu có) của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế không thuộc các trường hợp được hỗ trợ chi phí theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ.

Như vậy, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID -19 hiện nay, những người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp) vẫn đang được hỗ trợ rất nhiều chi phí trong quá trình cách ly.

Việc thu phí người bị áp dụng biện pháp cách ly dịch bệnh COVID - 19 chỉ thực hiện đối với người bị cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn theo nhu cầu (nếu có); chi phí khám, điều trị đối với trường hợp đang trong thời gian cách ly y tế tập trung mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị đối với người nước ngoài và các chi phí khác phát sinh theo nhu cầu (nếu có) của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế không thuộc các trường hợp được hỗ trợ chi phí theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ.

Hương My