Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức-Hành động-Nguồn lực" chiều ngày 24/11.
|
|
Thủ tướng cho rằng, mọi chính sách đều hướng đến người dân để người dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Ảnh:VGP |
Cũng theo Thủ tướng, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Và phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam.
Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Công tác truyền thông phải đến được với người dân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan ban hành các Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước liên quan đến hoạt động truyền thông chính sách...
Về bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách, ông Chi cho hay, kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, UBND các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Liên quan đến đặt hàng truyền thông chính sách bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trên thực tế vẫn có nhưng có thể chưa đủ hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách Nhà nước còn eo hẹp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông chính thống để có các giải pháp tăng nguồn ngân sách nhà nước đối với các cơ quan truyền thông chính sách của Chính phủ.
|
“Hội nghị hôm nay có mục tiêu là làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước; "người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước...
Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ, ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan...
Về nguyên nhân của những hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh cho biết, trước hết chưa có sự thống nhất trong tư duy tiếp cận về truyền thông chính sách. Vẫn còn có nhận thức chưa đúng rằng "truyền thông chính sách là việc của báo chí", trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh, là phương thức, là công cụ tuyên truyền cho chính sách mới, nhưng gốc vẫn là việc hoạch định chính sách. Việc hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều lúc, nhiều nơi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động truyền thông, dẫn đến không được truyền thông đúng cách và đủ "liều lượng". Một số bộ, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về truyền thông chính sách, để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Công tác truyền thông chính sách có lúc, có nơi chưa được coi trọng. Một số cơ quan chưa biết cách làm công tác này. Năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách.
Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ TT&TT đề xuất một số giải pháp, kiến nghị: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước.
|
|
Hội nghị đã nêu ra nhiều giải pháp để truyền thông chính sách đạt hiệu quả. ẢNh:VGP |
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này.
Riêng với hệ thống các Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện vừa làm chức năng cung cấp thông tin nguồn, vừa đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của nhân dân, cần đổi mới cách làm và ứng dụng các công nghệ mới để tăng tương tác với người dân, để người dân cùng tham gia làm chính sách.
Ngoài ra, Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Hiện nay, làm báo cũng chính là làm công nghệ, cần có nền tảng công nghệ để làm báo trên không gian số....
Sau khi nghe báo cáo của Bộ TT&TT, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thêm, nhấn mạnh tinh thần "lấy dân làm gốc", tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến, tập hợp lực lượng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh trong nước với ngoài nước, nội lực với ngoại lực.
Công tác truyền thông chính sách cần bám sát tinh thần này để thực hiện. Với tinh thần đó thì vừa qua chúng ta đã làm tốt chưa, đã nâng cao nhận thức về vấn đề này hay chưa, từ đó, hoàn thiện thể chế như thế nào để phục vụ công tác truyền thông chính sach này cho tốt, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đánh giá nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện truyền thông chính sách, "công cụ gì để đo truyền thông tốt hay xấu, làm được hay chưa làm được".
Cần nhấn mạnh trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp luật, để các chính sách pháp luật của Nhà nước đến được với người dân.
Chính phủ đã và đang làm công tác truyền thông chính sách. Hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá lại công việc đã làm, cái gì được, chưa được, nguyên nhân vì sao, trên cơ sở đó có xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Tình hình thay đổi nhanh nên cần có cách ứng phó cho phù hợp, hiệu quả, với tinh thần tôn trọng, cầu thị lắng nghe, để hoàn thiện chính sách tốt hơn.
Cho rằng truyền thông chính sách phải trước, trong và sau khi xây dựng chính sách, Thủ tướng nêu vấn đề các bộ, ngành, địa phương đã thực sự coi trọng truyền thông chính sách hay chưa.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho rằng truyền thông chính sách, pháp luật không những nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước về mỗi một chủ trương, chính sách mới được ban hành.
Những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác truyền thông, công tác tuyên truyền từ trước, trong và sau khi ban hành chính sách, pháp luật về an ninh trật tự; góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, công tác bảo đảm an ninh trật tự và truyền thông chính sách về an ninh trật tự có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức mới; nguy cơ sử dụng về công nghệ thông tin để "xâm lấn", "can thiệp", "lấn át" thông tin chính thống; xuất hiện ngày càng nhiều tin giả, tin xấu độc, làm lũng đoạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, gây khó khăn cho công tác định hướng dư luận, hạn chế khả năng gạn lọc thông tin chính thống trong truyền thông chính sách, cũng như thách thức lớn hơn về công tác bảo mật thông tin, quản trị dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin.
Do đó, cần tăng cường công tác nhận thức nâng cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng đối với cán bộ chiến sĩ, công an; Đổi mới phát triển về hệ thống truyền thông chính sách....