leftcenterrightdel

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28 và nhiệm vụ công tác năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH Việt Nam đã đóng vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Chính toàn thể công chức viên chức người lao động ngành Bảo hiểm đã đóng góp vào thành quả an sinh xã hội, được cộng đồng quốc tế công nhận.

Năm 2019, GDP bình quân đầu người của chúng ta đạt khoảng trên 2.800 USD, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam chúng ta đã đạt trên 73,6 tuổi; thuộc nhóm cao của thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%.

Theo Thủ tướng,  bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, chính sách BHXH của nước ta đã từng bước được hoàn thiện, mở rộng ra các khu vực kinh tế khác nhau.

leftcenterrightdel

Thủ tướng trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho BHXH Việt Nam. 

Tại Hội nghi, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà ngành BHXH đã đạt được trong thời gian qua. Trước hết hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với quá trình phát triển đất nước và thông lệ quốc tế; mô hình tổ chức hệ thống BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện theo chủ trương của Đảng về cải cách, tinh gọn bộ máy.

Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT. 

Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH đạt gần 16 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động); số người tham gia BHYT đạt gần 86 triệu người (chiếm 90% dân số). Với tỷ lệ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21, so với một số quốc gia phát triển trên thế giới thì để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm.

Số lượng người thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT không ngừng tăng, bình quân mỗi năm có hàng chục triệu lượt người hưởng chế độ BHXH, hàng trăm triệu lượt người hưởng chế độ BHYT.

Thủ tướng cũng biểu dương BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều kết quả nổi bật: đã cắt giảm ¾ số thủ tục hành chính (giảm từ 263 xuống 27 thủ tục); đã xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã BHXH cho 97 triệu dân, ... đặc biệt là hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện giám định tự động chi phí khám chữa bệnh BHYT giúp cho việc quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT được công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thủ tướng biểu dương cán bộ viên chức ngành BHXH đã nỗ lực để ngành là một trong những đơn vị đi đầu có đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Biểu dương người đứng đầu ngành BHXH đã có sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt trong hoạt động của ngành thời gian qua.

Tất cả kết quả nói trên đã góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu cao cả của Đảng và Nhà nước trong việc phục vụ chăm lo cho người dân, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và sự sáng tạo của ngành BHXH có sự quyết định vô cùng quan trọng.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, những nỗ lực của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH trong suốt chặng đường 25 năm qua.

Để BHXH thực sự trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của đất nước, Thủ tướng đề nghị BHXH Việt Nam và các bộ ngành liên quan cần quán triệt quan điểm lớn về Nghị quyết 28 của Trung ương về chính sách BHXH để đạt được những thắng lợi mục tiêu đề ra.

Đó là BHXH Việt Nam là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại hội nhập quốc tế; huy động nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Chăm lo đời sống sức khỏe, sự thịnh vượng ấm no của người dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta.

 Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đó, thì độ bao phủ của BHXH phải rộng khắp hơn. Tất cả người lao động và người phụ thuộc phải có lưới an sinh. Hiện mới có 1/3 số người lao động tham gia BHXH thì cái đích còn xa. Do vậy những nỗ lực cần phải cao hơn để đạt được hỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết 28 của Trung ương với tỉ lệ bao phủ 35% vào cuối năm 2021 và tỉ lệ bao phủ 45% vào năm 2025. “Mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng”, Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế, tôn trọng nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, xây dựng bộ máy tinh gọn chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông trong thực thi chính sách.

BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động. Với tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra 5 nhóm giải pháp đối với toàn ngành BHXH

Thứ nhất, Phát triển hệ thống chính sách BHXH, BHYT linh hoạt đang dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, kết hợp hài hòa theo nguyên tắc đóng hưởng công bằng, bình đẳng chia sẻ bền vững.

Thứ hai, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, kết hợp hài hòa giữa kế thừa ổn định với đổi mới phát triển, và phải đặt trong mối tương quan giữa đổi mới phát triển các chính sách xã hội khác. Nhất là thu nhập, trợ cấp xã hội cho người dân phải nâng cao hơn.

Thứ ba, tổ chức thực hiện chính sách BHXH bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân, cũng như các chủ thể tham gia BHXH.

Thứ tư, phải phát triển tổ chức hệ thống chính sách BHXH là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền, Mặt trận tổ quốc VN, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp cho đến người dân của chúng ta.Tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, thống nhất, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ

Thứ năm, Thủ tướng đề nghị phải tăng cường thông tin tuyên truyền thường xuyên về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng như để nhân dân hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT của nước ta.

 

 


Ngọc Anh