Đây là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022, triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra hôm nay (4/7). Tại Hội nghị, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận.

 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Ảnh:VGP

Cụ thể, Hội nghị và phiên họp tập trung thảo luận một số nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Đồng thời, thảo luận về việc triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Các dự án này gồm: dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ- Sóc Trăng; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 vùng Thành phố Hồ Chí Minh; cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Phát biểu khai mạc Hội nghị và phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, có những yếu tố chúng ta dự báo được nhưng cũng có nhiều yếu tố chưa dự báo được.
Cụ thể, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khăn, có khả năng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19 và tình hình hiện nay, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với đầu năm. Lạm phát tăng ở mức cao ở hầu hết các nước trên thế giới…
Về tình hình trong nước, Thủ tướng cho biết, chúng ta có những thuận lợi do kế thừa thành quả của nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời, cần khắc phục nhiều vấn đề nội tại, hạn chế, bất cập, tiếp tục xử lý những vấn đề tồn đọng nhiều năm, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết các vấn đề phát sinh, đột xuất, đặc biệt là sức ép lạm phát rất cao, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đứt gãy các chuỗi cung ứng…

Đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành đang tập trung chuẩn bị tốt nhất để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những ngày tới bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan; nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023; đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa. 

Tình hình kinh tế-xã hội còn một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết, như: dịch bệnh COVID-19 còn có thể diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… cần giải pháp phù hợp, việc giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa.
Nhấn mạnh cần tiếp tục xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi và thời cơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được trong 6 tháng đầu năm; nhận định khách quan, trung thực, đầy đủ, toàn diện về các kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, khó khăn, thách thức chính hiện nay, đặc biệt các địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm hay cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những trọng tâm trong thời gian tới.

Đối với vấn đề miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS trên toàn quốc, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư: ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP được ban hành, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau hơn 5 tháng triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra; ban hành gần như đầy đủ các văn bản để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi nhiều chính sách mới nhưng đã được đánh giá tác động đầy đủ và trình ban hành theo đúng quy định thời gian ngắn.

Một số nội dung có tính chất phức tạp, liên quan đến việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình của nhiều bộ, cơ quan, địa phương đang được gấp rút xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành, như: Văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hầu hết đạt kết quả tốt, đạt trên 48 nghìn tỉ đồng, trong đó, các chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đạt 8.888 tỉ đồng; gia hạn nộp thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỉ đồng; miễn giảm thuế VAT, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 32,4 nghìn tỉ đồng. Đồng thời, thực hiện cho vay tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP là 57,37 nghìn tỉ đồng.

Bên cạnh đó, một số chính sách gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện đã nhanh chóng được điều chỉnh để tạo thuận lợi trong triển khai, thực hiện, như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022, trong đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Kết quả, ước giải ngân đến 30/6/2022 đạt 27,86%  kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 29%).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương là hơn 92.057 tỉ đồng. Năm 2022, đã giao 34.049 tỉ đồng (đạt 100% kế hoạch năm 2022) cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất, kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực. Tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay

Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phù hợp với tình hình.


Minh Nhật