leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:VGP

Xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nhìn lại chặng đường 20 năm vừa qua và xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho toàn vùng Tây Nguyên trong giai đoạn sắp tới. Báo cáo tổng kết phải bám sát nội dung và cấu trúc của Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, bám sát tình hình thực tiễn, qua đó phải nêu bật, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; xác định rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực nêu tại Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị.

Thủ tướng yêu cầu cần bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ 5 tỉnh trong vùng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm phát triển đất nước, bám sát thực tiễn để xây dựng báo cáo tổng kết, góp phần quan trọng xác định mục tiêu tổng quát, cụ thể, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới cho vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phát triển xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó, phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Đồng thời đưa ra gợi ý, nếu trước đây chúng ta xác định Tây Nguyên cần "ổn định để phát triển" thì nay ưu tiên cho phát triển để góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và thúc đẩy đối ngoại; thích ứng linh hoạt với mọi diễn biến của tình hình, nhất là trước các cú sốc, luôn giữ vững bình tĩnh, không hoang mang lo sợ, tranh thủ tối đa thuận lợi, hóa giải các thách thức để phát triển...

Bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt trên 4 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cần đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mekong và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia, ASEAN.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh:VGP

Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững hài hòa, lấy con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực phát triển, lấy văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên…

Những giải pháp phát triển

Về một số định hướng, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng phát triển nhanh, bền vững, xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, đất, nước và rừng của Tây Nguyên.

Phát triển đô thị và bố trí dân cư vùng Tây Nguyên phù hợp với các điều kiện đặc trưng của vùng về sinh thái, bản sắc văn hóa. Tập trung phát triển các đô thị trung tâm động lực của vùng, tiểu vùng để lan tỏa, thúc đẩy khu vực phụ cận, các vùng khác phát triển...

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước hiệu quả. Hoàn thành một số tuyến đường cao tốc, nâng cấp sân bay, kết nối thuận lợi trong nước, khu vực và quốc tế...

Thực hiện việc chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số song hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, mở rộng liên kết hoạt động thương mại gắn kết với thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy thương mại điện tử và logistics.

Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để Tây Nguyên khai thác hết tiềm năng, hóa giải các thách thức, có giải pháp phù hợp.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch.

Tập trung nâng cao tiềm lực phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường. Phát huy nguồn lực con người, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng.

Cùng với đó, phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; quan tâm vấn đề dân tộc, tôn giáo, làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền. Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bằng các biện pháp khác nhau, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực nhà nước và tư nhân, nguồn lực trong nước và ngoài nước… trên cơ sở trọng tâm, trọng điểm...

Minh Nhật