leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 2/6.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai gói phục hồi kinh tế

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng 7/12 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch năm 2021, trong đó một số chỉ tiêu cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội như chỉ số giá tiêu dùng CPI, bội chi ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm và nghiên cứu để ban hành các giải pháp như giảm giá xăng dầu, tăng cường hơn nữa tiết kiệm, chống lãng phí bỏ ra ngoài danh mục đầu tư công những dự án chưa thực sự cần thiết, chậm tiến độ quá lâu và để dành những khoản tiền này hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đồng thời đẩy nhanh hơn nữa và có tiến độ cụ thể việc triển khai gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Trong thực thi công vụ, đề cập về căn bệnh sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, đại biểu muốn nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh này. Chỉ ra thực trạng này có nhiều nguyên nhân, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần lưu ý trong giai đoạn hiện nay phải có giải pháp cụ thể hơn để tránh tình trạng này. Đó là sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng hơn, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân.

Ngoài ra, cần luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đồng thời lựa chọn đúng cán bộ từng vị trí công tác; có chính sách thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng cường hơn nữa sự tham gia của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa, cảnh báo.

Đề xuất tạm hoãn tăng học phí trong năm học tới

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã giải trình về lộ trình tăng học phí, trong đó có 3 công văn gửi các cơ sở giáo dục thực hiện Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, trước kỳ họp, cử tri cũng phản ánh mức học phí trong Nghị định 81 cao hơn từ 3 đến 5 lần trong năm học vừa qua.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng trong điều kiện hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo thống nhất tạm hoãn việc tăng học phí trong năm học tới, tạo điều kiện cho các em được đến trường, đời sống của người dân cũng đỡ cơ cực hơn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng

Đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, đây là Chương trình được cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt quan tâm, kỳ vọng sẽ đem đến sự chuyển biến sâu sắc về kinh tế- xã hội, tạo sức bật để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng. Nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của vùng là sự yếu và thiếu của hệ thống giao thông kết nối liên vùng. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng.

Đánh giá cao nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân

Phát biểu kết luận phiên thảo luân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau một ngày rưỡi làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc đã có 74 ý kiến phát biểu, 4 đại biểu Quốc hội tranh luận, còn 55 đại biểu chưa phát biểu, do đó đề nghị các đại biểu gửi bài phát biểu cho bộ phận thư ký tổng hợp.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, nội dung thảo luận toàn diện, các ý kiến phong phú, thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, làm rõ các vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về cụ thể, đối với nội dung kinh tế-xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện để kinh tế phục hồi, phát triển, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tốt, hoạt động bán lẻ tiếp tục khởi sắc trở về gần như thời điểm trước dịch bệnh, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, cán cân thương mại thặng dư, thu ngân sách tăng trưởng tích cực, lãi suất huy động và tỷ giá tăng song vẫn trong tầm kiểm soát.

Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, cần xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài và những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm 2022-2023 triển khai còn chậm, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, lạm phát tiếp tục tăng cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới suy giảm đáng kể, thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, thu từ cổ phần hóa đạt thấp, phân bổ, giao dự toán chi chậm…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và những nội dung đề cập trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó đặc biệt chú ý khẩn trương triển khai nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 43 và Nghị quyết về kế hoạch 5 năm của Quốc hội…

Vũ Cảnh