leftcenterrightdel
 Đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu xem xét, thảo luận, cho ý kiến về Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của luật sư”; Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp” và dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 84 ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 do Ban Nội chính Trung ương chuẩn bị.

Cho ý kiến về Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của luật sư”, các đại biểu cho rằng Đề án đã đánh giá, cung cấp nhiều số liệu phản ánh sự phát triển về số lượng và chất lượng của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư, các đoàn luật sư. Đồng thời, Đề án nêu được một số hạn chế, bất cập về số lượng, chất lượng luật sư và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, phạm vi các vấn đề được đề cập trong Đề án cần được rà soát kỹ vì có nhiều đề mục trùng lặp với Kết luận 69-KL/TW của Ban Bí thư; đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần nghiên cứu, xác định giải pháp đột phá, mang tính khả thi, cụ thể để thực hiện Đề án.

 
 
leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Thành Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Về thành lập trường đào tạo luật sư, các đại biểu cho rằng đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thành lập cần có đủ các điều kiện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết một số điều kiện tối thiểu để thành lập trường chưa đảm bảo. “Tổ kỹ thuật có đề xuất Liên đoàn tiếp tục hoàn thiện đảm bảo đầy đủ các điều kiện và đưa ra các giải pháp khả thi. Đồng thời nghiên cứu thêm ý kiến của Ban thư ký, Ban Chỉ đạo, theo chúng tôi rất phù hợp. Bởi trong lúc nguồn lực có hạn và công việc còn nhiều thì nên tập trung làm những việc trước mắt, tiếp tục hoàn thiện Đề án để khi nào hoàn thiện tiếp tục trình cơ quan có thẩm quyền xem xét”- Bộ trưởng nêu quan điểm.

Cho ý kiến về Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”, các đại biểu cho rằng Đề án đã đề xuất phạm vi đánh giá theo lĩnh vực là hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đồng thời, Đề án đã tiếp cận xây dựng Bộ chỉ số theo hướng là đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp, mức độ bảo đảm khả năng tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích của họ và mức độ hài lòng của người dân mà hoạt động tư pháp đem lại. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với việc cần thiết đổi tên Đề án từ “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp” thành “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”. Nếu theo nội dung Đề án với 15 chỉ số thành phần thì cần phải khảo sát, đánh giá kỹ hơn để làm rõ đối tượng được đánh giá.

Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận cho ý kiến về Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 84 ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị hướng tới mục đích kịp thời tổ chức phổ biến, quán triển Kết luận số 84-KL/TW nhằm thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị.

Kết luận phiên họp, thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 7 để hoàn thiện Đề án trình Ban Chỉ đạo tại phiên họp này; Ban Nội chính Trung ương đã chủ động xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Ban Thư ký đã chủ động nghiên cứu, có ý kiến thẩm định các đề án.

Đối với Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của luật sư”, đồng chí Trương Hòa Bình nêu rõ để phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư trong giai đoạn tới, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần thực hiện đầy đủ, toàn diện Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, thực hiện một số nội dung liên quan tại Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và tổng kết thực hiện Đề án về phát triển đội ngũ luật sư, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển nghề luật sư sau năm 2020, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ luật sư đủ điều kiện tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Về kiến nghị của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập trường đào tạo nghề luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, qua thảo luận còn nhiều ý kiến, Phó Thủ tướng giao Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cùng với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư phối hợp nghiên cứu đánh giá, đề xuất giải pháp khả thi. “Nếu chưa cần thiết thành lập trường như thế thì phối hợp để nâng cao chất lượng đào tạo; còn nếu muốn làm thì khi đủ điều kiện mới làm”- Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đối với Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”, qua thảo luận các thành viên Ban Chỉ đạo đều nhất trí với việc đổi tên Đề án.

Xung quanh phạm vi đánh giá của Bộ chỉ số, Đề án đề xuất phạm vi đánh giá theo lĩnh vực là hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; không đánh giá tất cả các hoạt động tư pháp mà chỉ đánh giá những hoạt động tư pháp có liên quan đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Phạm vi là đánh giá hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không tiến hành, đánh giá hoạt động của các cơ quan tư pháp Trung ương và cơ quan tư pháp trong Quân đội. Phó Thủ tướng đề nghị các nội dung về tiêu chí, phạm vi, mức độ, đối tượng lấy ý kiến, việc công bố… cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đề xuất cụ thể thêm.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 84 ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 mà Ban Nội chính Trung ương chuẩn bị. Một số ý kiến góp ý cụ thể về mục đích, yêu cầu; nội dung tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp…. Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện thêm để trình Ban Chỉ đạo.

Theo TTXVN