Hoàn thiện pháp chế đẩy mạnh cải cách tư pháp

Trong những năm qua, VKSND tối cao nói riêng, ngành Kiểm sát nhân dân nói chung không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, trong đó, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chủ trì của Ngành, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương…

Qua thời gian, công tác xây dựng pháp luật đã trở thành lĩnh vực công tác không thể thiếu bên cạnh những lĩnh vực công tác truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân với những thành tích đáng ghi nhận, nhất là trong những năm gần đây, kết quả của công tác xây dựng pháp luật được coi là thành tích và được đưa vào báo cáo công tác hàng năm của VKSND tối cao trước Quốc hội. Đồng thời, kết quả công tác xây dựng pháp luật cũng phản ánh những nỗ lực của ngành Kiểm sát nhân dân trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, một trong những yêu cầu cơ bản của nhà nước pháp quyền. 

Những kết quả đạt được

Sau hơn 01 năm thực hiện Chỉ  thị số 05/CT-VKSTC ngày 14/9/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành Kiểm sát nhân dân, công tác xây dựng pháp luật của VKSND tối cao nói riêng, của ngành KSND nói chung đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận như: chất lượng các đề nghị xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao, bám sát thực tiễn đời sống pháp lý, thực tiễn công tác của ngành KSND và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tinh thần trách nhiệm của các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của ngành KSND được phát huy tối đa; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc góp ý, rà soát, xây dựng, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, chủ động, tích cực; nhiều sáng kiến, đề xuất, kiến nghị xây dựng pháp luật được đưa ra trong mỗi hội nghị, hội thảo do ngành KSND tổ chức;… 

Chỉ tính riêng năm 2018, ngành KSND đã ban hành 2 chỉ thị về tăng cường công tác xây dựng, tổ chức thi hành các luật; phối hợp xây dựng, chỉnh lý 14 dự án luật; chủ trì ban hành 7 thông tư liên tịch và 1 thông tư; tham gia xây dựng 51 văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; ban hành gần 2.000 bản thông báo rút kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ; sửa đổi, ban hành 38 quy chế, quy định, quy trình nhằm bảo đảm các hoạt động nghiệp vụ tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và nội dung quy định mới của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Năm 2018, Vụ 14 đã hoàn thành Dự thảo Kế hoạch xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự . (Trong ảnh: Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tiếp đoàn Bộ Tư pháp Nhật Bản, tháng 8/2018)

Trong năm 2018, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học – đơn vị trực tiếp tham mưu cho Viện trưởng về công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm thẩm định các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Viện trưởng VKSND tối cao đã hoàn thành 101 đầu việc thuộc phạm vi công tác xây dựng pháp luật, chủ trì xây dựng 52 văn bản giải đáp vướng mắc về nhận thức pháp luật, trong đó, có những văn bản quan trọng như: dự thảo Kế hoạch xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, văn bản đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, trong năm 2018, Vụ 14 đã chủ trì, phối hợp với Chính phủ xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật”, “Tối mật” của ngành KSND; chủ trì xây dựng và tham mưu ban hành 03 văn bản thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tối cao, bao gồm: Chỉ thị số 03/CT- VKSNDTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc thông báo rút kinh nghiệm trong công tác THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp; Quy định tạm thời về ký văn bản chuyên ngành thuộc thẩm quyền của VKSND tối cao; Quy chế quản lý đề tài khoa học, đề án của VKSND tối cao (ban hành kèm theo Quyết định số 108/QĐ-VKSTC ngày 26/3/2018).

Năm 2018, để kịp thời triển khai các đạo luật mới của Quốc hội trong cuộc sống thực tiễn, với phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành KSND, Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao xây dựng, rà soát, chỉnh lý, thẩm định 08 dự thảo thông tư liên tịch, đến nay, 07 thông tư liên tịch và 01 thông tư thuộc trách nhiệm chủ trì soạn thảo của VKSND tối cao đã được ban hành.

Bên cạnh đó, thực hiện trách nhiệm phối hợp xây dựng pháp luật, VKSND tối cao, trực tiếp là Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã tích cực phối hợp với các đơn vị đầu mối thuộc các bộ, ngành để xây dựng, rà soát, chỉnh lý 14 thông tư liên tịch, trong đó có 10 thông tư liên tịch đã chính thức được ban hành, còn 04 thông tư liên tịch đang trong quá trình hoàn thiện. 

Sự tham gia tích cực của VKSND tối cao đã góp phần vào việc ban hành kịp thời, bảo đảm chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật như: 13 nghị định của Chính phủ, 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 13 nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, 15 thông tư.

Trong thời gian qua, VKSND tối cao đã tích cực phối hợp nghiên cứu, góp ý xây dựng 06 dự thảo các điều ước, thỏa thuận quốc tế và 21 dự thảo văn bản khác. Hiện nay, trong phạm vi trách nhiệm chủ trì ban hành của ngành KSND còn 01 thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên (thay thế Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/07/2011) đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục ký liên ngành, 01 thông tư về công tác thi đua khen thưởng đang trong quá trình xem xét, ban hành.

Kết quả công tác xây dựng pháp luật vừa khẳng định trình độ xây dựng pháp luật ngày càng hiệu quả, vừa phản ánh sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Lãnh đạo VKSND tối cao, góp phần củng cố nền tảng pháp lý, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao và VKSND các cấp trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND. Việc kịp thời ban hành các hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về nhận thức pháp luật góp phần triển khai hiệu quả các quy định của BLHS, BLTTHS, BLDS, BLTTDS và các văn bản hướng dẫn trong thực tiễn.

Đổi mới về công tác xây dựng pháp luật của ngành KSND

Ngay từ những ngày đầu, công tác xây dựng pháp luật đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo tận tình của Lãnh đạo VKSND tối cao, cho đến nay, trải qua chặng đường dài, đã từng bước ổn định, được đánh giá là một trong những công tác hiệu quả nhất trong các lĩnh vực công tác của ngành Kiểm sát nhân dân, đến nay, hầu hết ý kiến của VKSND đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành khác chủ trì xây dựng đều được tiếp thu, thể hiện trong nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. 

Hoạt động xây dựng pháp luật không ngừng được hoàn thiện cả về hình thức, nội dung cho đến quy trình thực hiện. Đó cũng chính là nét đổi mới căn bản của công tác xây dựng pháp luật trong thời gian qua. Mọi văn bản quy phạm pháp luật dù được chủ trì, tham mưu xây dựng, ban hành bởi bất kỳ đơn vị đầu mối nào thuộc VKSND tối cao đều phải tuân thủ trình tự, thủ tục vô cùng chặt chẽ, theo đó, dự thảo văn bản phải được gửi xin ý kiến của các đơn vị trong toàn ngành KSND, của các thành viên Ủy ban Kiểm sát và Lãnh đạo VKSND tối cao.

Sau khi tiếp thu và chỉnh lý, văn bản quy phạm được chuyển đến Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học để thực hiện việc thẩm định trước khi trình Viện trưởng VKSND tối cao ban hành theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật do Viện trưởng VKSND tối cao ban hành tính đến thời điểm này, luôn được các cơ quan hữu quan đánh giá cao về nội dung, hình thức, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tính hợp pháp, tính thống nhất và hơn cả là tính khả thi. 

Có thể nói, trong các lĩnh vực công tác của ngành KSND, công tác xây dựng pháp luật là công tác khai thác và phát huy trí tuệ tập thể ở mức cao nhất, không chỉ ở VKSND tối cao, ở các VKSND cấp dưới bao gồm cả hệ thống VKSQS các cấp, việc xây dựng và góp ý các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi trách nhiệm của Ngành thường được xem là vị trí trọng tâm công tác hàng năm của các đơn vị bên cạnh nhiệm vụ nhằm thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. 

Đổi mới tiếp theo chính là ở đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật, có thể nói, trong thời gian gần đây, đội ngũ cán bộ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nói riêng, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật trong toàn ngành KSND nói chung ngày càng được trẻ hóa, được đào tạo bài bản, có trình độ và tâm huyết với công việc. Mặc dù còn nhiều khó khăn do lực lượng còn mỏng, nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật đã không ngừng phấn đấu, vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo và đồng nghiệp trong toàn Ngành ghi nhận.

Đổi mới thứ ba đó là về nhận thức, đánh giá tích cực của toàn Ngành nói riêng, của Nhà nước nói chung đối với chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật của ngành KSND. Việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, không thể không nhắc đến các văn bản hàng đầu như: Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các thông tư liên tịch, các biểu mẫu trong hoạt động tố tụng ở các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, khiếu nại, tố cáo… được ban hành trong thời gian gần đây bảo đảm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về nội dung, hình thức, khả thi, phù hợp đã phần nào phản ánh những cố gắng không thể phủ nhận của ngành KSND đối với công tác xây dựng pháp luật, cũng như kết quả của quá trình đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 14/9/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành KSND.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa VKSND cấp cao tại Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội (tháng 10/2018). Ảnh: PV 

Bắt kịp những bước tiến của thời đại, công tác xây dựng pháp luật của ngành KSND đã được ứng dụng công nghệ thông tin ở mức tối đa trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến trong và ngoài Ngành về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chủ trì ban hành của VKSND tối cao.

Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được đăng tải chính thức trên trang tin VKSND tối cao để bảo đảm tính công khai và thuận lợi cho các cán bộ, công chức, nhân dân cùng tham gia góp ý. Thực tiễn công tác xây dựng pháp luật đã cho thấy, sự tham gia của công nghệ thông tin vào quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung, của ngành KSND nói riêng đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, tiết kiệm thời gian, khai thác trí tuệ cộng đồng và bảo đảm chọn lọc được những ý kiến, sáng kiến lập pháp hữu ích.

Định hướng công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tiếp theo

Nhận thức và đánh giá cao tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật đối với ngành KSND nói chung, đối với công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND nói riêng, ngày 14/9/2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC về việc tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành KSND, theo đó, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ thị Viện trưởng VKSQS trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng các VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong ngành KSND và một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh chính là “nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật” trong toàn ngành KSND. Nhiệm vụ đó đã được thực hiện rất tốt trong thời gian qua và sẽ tiếp tục được thực hiện triệt để trong thời gian tới.

Ngành KSND xác định, phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua về công tác xây dựng pháp luật, đồng thời, trong thời gian tới, ngành KSND sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, chỉnh lý các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua vào năm 2019 theo yêu cầu của các Ủy ban của Quốc hội; bao gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi, bổ sung); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Bên cạnh đó, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, ngành KSND sẽ nỗ lực khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đạt được những kết quả tốt nhất trong công tác xây dựng pháp luật, đưa công tác xây dựng pháp luật trở thành một trong những công tác mũi nhọn của Ngành bên cạnh những lĩnh vực công tác truyền thống hiện nay.

 

Trịnh Phương Thảo