leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng đoàn công tác làm việc tại tỉnh Tây Ninh về công tác Cải cách tư pháp.

Đoàn công tác gồm có các đồng chí: Phạm Gia Túc – Phó trưởng Ban nội chính Trung ương; Trịnh Xuân Toản - Ủy viên chuyên trách kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Cải  cách tư pháp Trung ương; Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ tư pháp, thành viên Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Hoàng Thị Quỳnh Chi - Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, Viện KSND tối cao; Ngô Văn Nhạc – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học, Tòa án nhân dân tối cao; Trần Thanh – Phó Cục trưởng Cục an ninh điều tra, Bộ công an; Đỗ Văn Hãn - Phó trưởng ban II, Văn phòng Ban Chỉ đạo, Ban nội chính Trung ương; Mai Trung Thành – Phó Chánh văn phòng, Trưởng Ban Thư ký VKSND tối cao; Lại Thị Thu Hà – Trưởng phòng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, VKSND tối cao; Chu Đức Anh – Thư ký Viện trưởng VKSND tối cao; Nguyễn Trịnh Hoàn – Chuyên viên Vụ công tác phía Nam, Ban nội chính Trung ương. Về phía địa phương có các đồng chí: Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Tây Ninh; Phạm Hùng Thái - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh cùng các đại biểu đại diện các Ban, ngành tỉnh Tây Ninh tham dự.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Hùng Thái - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại địa phương. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị kịp thời quán triệt và thực hiện nghiêm các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã ban hành chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ và hằng năm sát với chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đạt được nhiều kết quả cao. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế, khó khăn vướng mắc; Cụ thể, đối với việc tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp chất lượng đóng góp ý kiến chưa sâu, chưa mang tầm vĩ mô, chưa đánh giá hết sự tác động, ảnh hưởng của các dự án luật để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có lúc chưa kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng. Một số quy định của pháp luật chậm được hướng dẫn hoặc hướng dẫn nhưng thiếu thống nhất, đã được kiến nghị nhưng chậm bổ sung, sửa đổi.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu phát biểu kiến nghị đến Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương .

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Lành – Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh nêu ý kiến về một số bất cập trong công tác thực hiện việc tiêu hủy vật chứng là chất ma túy. Không thể tiêu hủy một cách đơn giản, việc tiêu hủy không có các quy chuẩn sẽ gây ảnh hưởng môi trường, không bảo đảm an toàn và cần sớm có một quy chuẩn về việc tiêu hủy vật chứng là chất ma túy. Đồng chí Bùi Đức Xuân – Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng nêu lên một số bất cập trong công tác giải quyết án, thực tế hiện nay lượng án tại địa phương ngày càng tăng, một thẩm phán phải tham gia xét xử đến 10 vụ án/tháng, như vậy là vượt gấp đôi so với quy định, trong khi lại tinh giảm biên chế. Nếu chạy theo số lượng thì ảnh hưởng đến chất lượng, vì vậy kiến nghị cần chỉnh sửa luật cho phù hợp với tình hình địa phương hiện nay.

Một số đại biểu khác nêu một số kiến nghị liên quan đến việc quản lý người nghiện ma túy hiện nay còn nhiều hạn chế, gặp nhiều khó khăn, cần nghiên cứu lại cơ chế, chính sách để quản lý người nghiện ma túy hiệu quả hơn. Hơn nữa, tội phạm xã hội đa phần đều do người sử dụng ma túy gây nên. Hoạt động của các công ty đòi nợ thuê “núp bóng” dùng bạo lực để đòi nợ, cần sớm dẹp bỏ để bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao công tác cải các tư pháp tại địa phương dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy đối với yêu cầu cải cách tư pháp cơ bản là đã làm tốt, có lộ trình hợp lý, chặt chẽ. Đối với các cơ quan tư pháp quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ, đây là biện pháp tối ưu nhất để quản lý, giám sát. Sắp tới, những kiến nghị sẽ yêu cầu các cơ quan cải cách tư pháp Trung ương chỉ đạo, phối hợp với địa phương ứng dụng đồng bộ Công nghệ thông tin. Đồng chí Trưởng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương khẳng định, kết quả công tác của các cơ quan tư pháp tại địa phương dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy đã góp phần ổn định an toàn xã hội và môi trường phát triển minh bạch kinh tế địa phương.

Sau khi nghe báo cáo và những ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh, đồng chí Lê Minh Trí, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tiếp thu những kiến nghị và đề nghị Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổng hợp những ý kiến, xem những vụ việc thuộc ngành nào thì chuyển ngành đó trả lời. Những điều nào liên quan đến liên ngành thì phối hợp liên ngành để xử lý, những việc nào cần kiến nghị Trung ương thì Đoàn công tác sẽ có báo cáo kiến nghị cụ thể.

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí, Trưởng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cảm ơn Ban thường vụ tỉnh Ủy đã có sự quan tâm và động viên các cơ quan tư pháp địa phương để công tác cải cách tư pháp ngày càng tốt hơn.

Trân Định – Thanh Phong – Nam Phong