Đồng thời, tăng cường tính minh bạch và công khai về ngân sách là một trong những nội dung quan trọng của lần cải cách này. Sự cải thiện đáng kể của chỉ số POBI 2019 so với những năm trước đó cho thấy các địa phương nâng cao ý thức trong công khai ngân sách.
|
|
Theo báo cáo tại Hội nghị, mức độ công khai ngân sách Nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn. |
Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố hoàn toàn có khả năng tiếp tục cải thiện được mức độ công khai ngân sách với tinh thần chủ động, trách nhiệm hơn, nhằm đảm bảo hiệu quả ngân sách, đồng thời có cơ chế cho người dân tham gia trong quá trình ngân sách thông qua việc hiểu và tiếp cận tài liệu về ngân sách kịp thời và đầy đủ.
Cụ thể, kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 65.55 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2018 là 51 điểm và POBI 2017 là 30.5 điểm. Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018.
Tín hiệu đáng khích lệ là năm 2019, đã có 24 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước (tương ứng với nhóm A - điểm xếp hạng từ 75-100), trong khi năm 2018 chỉ có có 6 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách tỉnh. Ngoài ra, có 27 tỉnh công khai tương đối, thuộc nhóm B (điểm xếp hạng từ 50 đến dưới 75 điểm); 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ (Nhóm C, điểm xếp hạng từ 25 đến dưới 75) và chỉ có 3 tỉnh ít công khai là Hoà Bình, Đồng Tháp và Lạng Sơn.
Như vậy, đối với 2019, đã có 51 trong tổng số 63 tỉnh thành có mức điểm trên trung bình, trong khi con số này trong năm 2018 chỉ là 31 tỉnh. Điều này cho thấy nỗ lực rõ rệt trong việc cải thiện công khai minh bạch ngân sách của các địa phương.
Ngoài ra, POBI 2019 tiếp tục cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ là hai vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 77.16 và 73.81 điểm, tiếp theo đó là vùng Tây Nguyên (70.27 điểm) và đồng bằng sông Hồng (68.24 điểm). Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 52.62 điểm, tiếp đó là Đồng bằng sông Cửu Long (58.7 điểm) và khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ với 63.5 điểm.
Kết quả khảo sát POBI 2019 cho thấy, mức độ công khai dự thảo dự toán ngân sách năm 2020 trình HĐND tỉnh tiếp tục được cải thiện so với các năm trước. Số tỉnh công khai tài liệu này trong POBI 2019 là 54 tỉnh, so với 47 tỉnh trong POBI 2018. Ngoài ra, tính kịp thời và tính đẩy đủ của tài liệu này được cải thiện nhiều so với năm 2018.
Về báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2019 là loại tài liệu bắt buộc phải công bố công khai có tỉ lệ các tỉnh công khai thấp trong số các tài liệu tính điểm POBI. Chỉ có 42/63 tỉnh thành (tương đương 66.67%) có công bố công khai loại tài liệu này. Tuy nhiên, số tỉnh công bố đúng hạn tăng từ 15 tỉnh (23.8%) trong khảo sát POBI 2018 lên 28 tỉnh (44.44%) năm 2019.
POBI là khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về mức độ công khai ngân sách tỉnh bắt đầu từ năm 2017 và tiếp tục được thực hiện đối với năm 2018 và hiện tại là 2019. Chỉ số công khai ngân sách là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý NSNN và mức độ thực thi Luật NSNN năm 2015.
POBI giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách tại địa phương thông qua các hình thức minh bạch, giải trình và sự tham gia về ngân sách. POBI là cũng là công cụ giúp cho Việt Nam thực hiện ngày càng tốt hơn nỗ lực cải cách hành chính và tài khóa, góp phần thực hiện cam kết với mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.
|