Nhiều khoản thu vượt dự toán

Theo đó, trong năm 2018, thu NSNN vượt dự toán 8,5%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường  kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Quốc hội điều hành ngày làm việc 28/5. 

Tuy nhiên còn một số vấn đề sau cần lưu ý như: Nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020; tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục…

Ủy ban TCNS cho biết, năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội. Mặc dù vậy vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế

Ủy ban NSNN cho rằng, Công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, một số dự án chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, giao vốn chậm, không đúng đối tượng... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư đạt tỷ lệ thấp, kéo dài trong nhiều năm, gây lãng phí trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Quốc hội làm việc ngày 28/5 tại Hội trường Diên Hồng.

Một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán như: Chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chi sự nghiệp y tế; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ… Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp để khắc phục.

Tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn chưa được khắc phục triệt để. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp NSNN 331 tỷ đồng, phát hiện 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn 889 tỷ đồng, 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 145 tỷ đồng….

Giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch

Ủy ban NSNN khẳng định, việc giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm. Cụ thể, đến hết ngày 31/01/2019 giải ngân được 75,8% dự toán. Việc giải ngân đạt tỷ lệ thấp đã diễn ra nhiều năm, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân và quyết liệt chỉ đạo để khắc phục tình trạng nêu trên.

Tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư vẫn xảy ra khá phổ biến, kết quả kiểm toán tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chỉ ra nhiều sai phạm trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư. Công tác phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành vẫn còn chậm; nhiều địa phương được kiểm toán phát sinh nợ mới năm 2018 số tiền 1.818 tỷ đồng; nhiều địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa xử lý dứt điểm; đến 31/12/2018, số dư ứng trước đến hết kế hoạch năm 2018 chưa thu hồi vẫn còn 74.300 tỷ đồng; một số địa phương còn tình trạng tạm ứng sai quy định, tạm ứng từ NSTW kéo dài, quá thời hạn...

Bội chi ngân sách và nợ công giảm

Bội chi NSNN là 153.110 tỉ đồng, bằng 2,8% GDP, giảm 50.889 tỉ đồng (0,9% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định, thể hiện sự nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, bội chi giảm chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu Quốc hội dự họp.

Năm 2018, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước và trong giới hạn Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, dư nợ công năm 2018 tiếp tục tăng thêm 159.117 tỉ đồng. Năm 2018, Chính phủ đã hạn chế việc cấp bảo lãnh, cho vay lại song phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 2 dự án Chính phủ bảo lãnh 1.184 tỉ đồng, bên cạnh đó có 54 dự án cho vay lại đến 31/12/2018 nợ quá hạn chưa thanh toán là 3.551,68 tỷ đồng. Việc lập dự toán chi trả nợ gốc chưa sát nên quyết toán vay, trả nợ chênh lệch khá lớn so với dự toán.

Một số khoản quyết toán NSNN chưa bảo đảm cơ sở và điều kiện

Trong quyết toán chi NSNN năm 2018 còn một số khoản chưa bảo đảm cơ sở và điều kiện để thể hiện ngay vào quyết toán, cụ thể như sau:

Còn khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại 5.370.580 triệu đồng đã bổ sung dự toán nhưng chưa có quyết định phân bổ chi tiết của cấp có thẩm quyền…

Một số khoản chi thường xuyên chuyển sang chi đầu tư của Bộ Tài chính 1.991.061 triệu đồng (Tổng cục Thuế 1.419.067 triệu đồng; Tổng cục Hải quan 571.994 triệu đồng) nhưng chưa điều chỉnh dự toán chi thường xuyên sang chi đầu tư...

Đề xuất phê chuẩn quyết toán NSNN

Sau khi Quốc hội quyết định các nội dung trên, Ủy ban TCNS thống nhất với KTNN và Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018 như sau:

Tổng số thu cân đối NSNN là 1.880.029.177 triệu đồng (bao gồm cả số thu chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018, thu kết dư NSĐP năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN);

Tổng số chi cân đối NSNN là 1.869.791.887 triệu đồng (bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019);

Bội chi NSNN là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP).

Nguồn bù đắp bội chi NSTW gồm: vay trong nước 110.689.303 triệu đồng; vay ngoài nước 42.421.100 triệu đồng.

Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806.197 triệu đồng.


Vũ Cảnh