Đây là một trong những yêu cầu của Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV vừa được Chính phủ ban hành để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội. Những giải pháp cấp bách cần triển khai, đó là:

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương ngày 8/8. Ảnh:VGP

Không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch

Về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, căn cứ Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn…

Các địa phương căn cứ vào các quy định chung của trung ương, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời giữa các ngành, các địa phương. UBND các cấp kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa bàn và chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ: Đối với TP HCM, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9 này. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8 tới đây. Giao Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện cụ thể về vấn đề này.

Đồng thời, căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như: Hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn nhất định trên nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác…

Nghị quyết nhấn mạnh: Xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an địa phương tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ này.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”.

Theo đó, kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

Chủ động xây dựng phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm

Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, đồng thời phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.

Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch trong nước và trên thế giới, cập nhật các giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn. Văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra và dễ đánh giá; phải nêu rõ những điểm bắt buộc thực hiện (cứng) và những điểm có tính nguyên tắc để trên cơ sở đó các địa phương nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và vận dụng sáng tạo.

Cụ thể, về xét nghiệm: Bộ Y tế cập nhật, bổ sung, hướng dẫn và kịp thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lạm dụng, lãng phí. Hướng dẫn, khuyến nghị, khuyến cáo về các thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm  để các địa phương chủ động mua sắm. Bộ Y tế tổ chức mua sắm tập trung các vật tư, thiết bị cần thiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát, chấn chỉnh ngay những nơi tổ chức không khoa học, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa không ngăn được dịch lây lan, vừa lãng phí.

Các địa phương chỉ đạo xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay; phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Về sàng lọc, phân loại người nhiễm và điều trị bệnh nhân COVID-19: Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn; các địa phương, bộ ngành chỉ đạo cơ quan y tế, cơ sở y tế thuộc thẩm quyền tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỷ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỷ lệ chuyển bệnh nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp điều trị. Đặc biệt chú trọng việc quản lý, chăm sóc người bị nhiễm chưa có triệu chứng; việc chủ động chuẩn bị oxy y tế (nhất là hệ thống oxy tập trung) ở các tầng điều trị.

Về  vắc xin và thuốc điều trị COVID-19: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin  trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm. Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm định, cấp phép, bảo quản và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí cho người dân;…

leftcenterrightdel
Nghị quyết nêu rõ cần phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. 

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, các bộ, cơ quan, đơn vị, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong nước.

Xem xét thành lập trung tâm chỉ huy chỉ đạo phòng, chống dịch

Cùng với đó, xây dựng kịch bản và bảo đảm công tác y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Kiểm soát chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội; Duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn…

Về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19…

Chính phủ cũng giao Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp là đầu mối cung cấp kịp thời thông tin chính thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức đội ngũ chuyên gia, tình nguyện viên kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối tượng F0, F1.

Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm: Chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm thông suốt, an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là các hệ thống thông tin, nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

Chỉ đạo các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các lực lượng khác ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án kỹ thuật, biện pháp, công cụ cần thiết để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng;

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19…

Đối với việc điều chỉnh, cắt giảm kinh phí của các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để tập trung kinh phí phòng, chống dịch bệnh và việc chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh chưa sử dụng hết sang năm sau: Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động thực hiện theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất Bộ Tài chính để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đặc biệt, Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ việc xem xét, quyết định thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7 đến hết ngày 31/12/2022.

Minh Nhật