Người đứng đầu chịu trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi TĐKT

Về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, Hướng dẫn nêu rõ: Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT). Kịp thời phổ biến, quán triệt đầy đủ, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 109-NQ/BCSĐ ngày 18/12/2023 của Ban Cán sự đảng VKSND tối cao, Chỉ thị số 02/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao; tổ chức nghiên cứu, nắm vững các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chỉ đạo kiện toàn Hội đồng TĐKT, Hội đồng xét, công nhận sáng kiến của đơn vị; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của Hội đồng, phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Hội đồng phụ trách, chỉ đạo hoạt động các cụm, khối thi đua. Đề cao trách nhiệm của thành viên Thường trực Hội đồng; bố trí cán bộ làm công tác TĐKT có phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm để nâng cao chất lượng tham mưu về TĐKT.

Tổ chức lại, đổi mới hoạt động của các cụm, khối thi đua trong đơn vị theo văn bản hướng dẫn của VKSND tối cao, thực hiện từ năm 2024; gửi báo cáo phương án tổ chức lại cụm, khối thi đua về Thường trực Hội đồng TĐKT Ngành để tổng hợp chung.

Ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập, quản lý dữ liệu số về TĐKT. Thường trực Hội đồng TĐKT của đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm thông tin, tham mưu cho Hội đồng và Thủ trưởng đơn vị đánh giá chính xác, toàn diện kết quả, thành tích của các tập thể, cá nhân trong sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua cũng như kịp thời phát hiện, đề nghị khen thưởng đột xuất cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi trội, có sáng kiến được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác và có khả năng nhân rộng.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Vụ 16, VKSND tối cao tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của ngành KSND. (Ảnh minh hoạ)

Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí của Ngành, giới thiệu, viết bài, đăng bài, thực hiện chương trình truyền hình để tuyên truyền về kết quả, thành tích thi đua của đơn vị, về gương người tối, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua.

Xây dựng kế hoạch, đăng ký, giao ước thi đua

Về xây dựng kế hoạch, đăng ký, giao ước thi đua, Hướng dẫn nêu rõ, các đơn vị bám sát phương châm công tác, 6 nội dung trọng tâm nêu trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2024; chủ đề thi đua “Đoàn kết, đổi mới, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024” với 5 yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác thi đua, khen thưởng nêu trong Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao để xây dựng Kế hoạch công tác TĐKT với các nội dung, biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện hoạt động của đơn vị. 

Trong đó, lưu ý một số nội dung sau: Về bố cục, kế hoạch gồm các phần chính như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác TĐKT; nội dung, biện pháp triển khai thực hiện các phong trào thi đua; công tác khen thưởng; tổ chức thực hiện.

Về nội dung, biện pháp thực hiện các phong trào thi đua: Tiếp tục hưởng ứng, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của cả nước do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng TĐKT Trung ương phát động, hướng dẫn thực hiện, gồm: Phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025; Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”...

Các phong trào thi đua theo chuyên đề do VKSND tối cao phát động gồm: Phong trào thi đua rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn” gắn với phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025; Phong trào thi đua “Chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân”.

Đồng thời, các đơn vị tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động. Mặt khác, theo yêu cầu cụ thể của đơn vị, có thể phát động các đợt thi đua với nội dung sát với các nhiệm vụ trọng tâm, có chương trình, kế hoạch thi đua, tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời, đúng quy định đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, nổi trội.

Ngoài ra, Hướng dẫn còn đề cập đến nội dung đăng ký thi đua, ký kết giao ước thi đua; thời hạn gửi hồ sơ đề nghị khen thưởng; về việc xét, đề nghị công nhận sáng kiến…

P.V