Vẫn còn tình trạng khen thưởng tập trung cho lãnh đạo

Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua việc thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng (TĐKT) đã từng bước đi vào nền nếp, công tác về TĐKT đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn và luôn gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý thực hiện công tác về TĐKT, Nhà nước đã xây dựng thể chế và ngày càng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TĐKT đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan chức năng đã chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TĐKT.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TĐKT cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức phong trào thi đua chậm được đổi mới, tiêu chí đánh giá thi đua chưa rõ, có nơi còn áp đặt mang tính hình thức trong việc đề ra các nội dung thi đua, chạy theo thành tích, chưa tạo được động lực, nên phong trào thi đua tác dụng lan tỏa chưa cao. Vẫn còn tình trạng công tác khen thưởng chưa gắn với kết quả phong trào thi đua.

Tại một số địa phương, cơ quan, tổ chức, khen thưởng chưa kịp thời, chính xác, chưa bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, dẫn đến khen thưởng và đề nghị khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, vẫn còn tình trạng khen thưởng tập trung cho lãnh đạo, chưa quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời đối tượng là người lao động sản xuất trực tiếp và nhân viên cấp dưới…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ban, ngành, các đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấn chỉnh công tác TĐKT và tập trung trọng tâm vào các mặt công tác đã được xác định.

Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác TĐKT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới theo tinh thần Chỉ thị số 34- CT/TW ngày 7/4/2014 “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Khắc phục tình trạng cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TĐKT, chậm nắm bắt thực tiễn để phát động phong trào thi đua, chưa quan tâm đúng mức đến bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Tiếp tục củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác TĐKT các cấp theo hướng tinh gọn, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tuyển chọn người có đủ phẩm chất, năng lực, tinh thông về nghiệp vụ, có khả năng tham mưu, nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là năng lực phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Các cấp, các ngành cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao năng lực, kiến thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về công tác TĐKT để thực hiện công tác tham mưu có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị sơ kết công tác TĐKT của Khối thi đua các cơ quan nội chính tỉnh Quảng Nam. (Ảnh minh hoạ)

Tiến hành rà soát các trường hợp thuộc bộ, ngành, tỉnh đã được khen thưởng, trước mắt từ ngày 1/6/2014 là ngày có hiệu lực của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 nhưng có vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự trong thời gian tính thành tích khen thưởng thì làm thủ tục Huỷ bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật khen thưởng theo quy định tại Điều 78 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT.

Lưu ý về thẩm quyền công nhận sáng kiến và hiệu quả áp dụng

Đối với công tác thi đua, việc xét, tặng Cờ thi đua cấp bộ và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ tại một số bộ, ngành, tỉnh vẫn còn tồn tại, thiếu sót, thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 25, Điều 26 Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 và Điều 11, Điều 12 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Một số bộ, ngành, tỉnh xét tặng 2 Cờ thi đua cho cùng một đơn vị (Cờ thi đua cấp bộ và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ) hoặc đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 2 đơn vị trở lên cùng khối, cụm thi đua. Có bộ, ngành xét, tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị dẫn đầu khối và tặng Cờ thi đua cấp bộ cho đơn vị xếp thứ nhì, thứ 3. Cá biệt có bộ, ngành không chia cụm, khối thi đua mà chọn đơn vị tiêu biểu để đề nghị Cờ Thi đua của Chính phủ. Báo cáo thành tích đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ chưa đúng quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

Để việc xét, tặng Cờ thi đua của Chính phủ và Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành chấn chỉnh công tác xét, tặng Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh; Cờ thi đua của Chính phủ, hạn chế những tồn tại, thiếu sót nêu trên.

Về thẩm quyền công nhận sáng kiến và hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, quy định của nhiều bộ, ngành, tỉnh có phân biệt sáng kiến cấp cơ sở, sáng kiến cấp bộ, ngành, tỉnh và sáng kiến cấp toàn quốc. Do đó, dẫn đến việc bộ, ngành, tỉnh quy định về thẩm quyền công nhận sáng kiến cấp bộ, ngành, tỉnh và sáng kiến cấp toàn quốc như đã thực hiện thời gian qua là không đúng quy định.

Do vậy, đề nghị các bộ, ngành, tỉnh thực hiện theo đúng các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết.

Cụ thể: Sáng kiến được công nhận theo quy định của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 2/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến và Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 1/8/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP.

Đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét, tặng danh hiệu thi đua các cấp và khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 6 Thông tư số 12/2019/TT-BNV.

Việc công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Thông tư số 12/2019/TT-BNV.

Một sáng kiến chỉ được sử dụng một lần khi làm tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng, sáng kiến đã sử dụng khi xét danh hiệu thi đua thì không được dùng trong xét hình thức khen thưởng và ngược lại. Không dùng một sáng kiến để xét nhiều hình thức khen thưởng.

P.V