Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt” và nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những  yêu nước nhất”. Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo về công tác thi đua của Đảng và Nhà nước, của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, VKSND tối cao xác định thi đua yêu nước là động lực quan trọng để thúc đẩy toàn ngành Kiểm sát hăng hái vươn lên hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Qua 10 năm thành lập và trưởng thành, Vụ Thi đua - Khen thưởng (Vụ 16), VKSND tối cao đã đạt nhiều thành tích nổi bật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát phát triển, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân tặng Vụ Thi đua - Khen thưởng.

Ra đời đáp ứng kịp thời  yêu cầu trong công tác thi đua, khen thưởng

Ngày 29/7/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 640/NQ-UBTVQH13 phê chuẩn Quyết định số 292/QĐ-VKSTC-V9 của Viện trưởng VKSND tối cao về thành lập mới, đổi tên một số đơn vị trực thuộc, trong đó, thành lập mới Vụ Thi đua - Khen thưởng (tiền thân là Phòng Thi đua thuộc Văn phòng VKSND tối cao được thành lập ngày 1/11/1998. Đây là đơn vị chuyên trách đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân làm công tác thi đua khen thưởng, với biên chế lúc nhiều nhất là 5 người, lúc ít nhất là 3 người). 

Cùng với đó, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-VKSTC-V9 ngày 1/8/2013 giao chỉ tiêu biên chế, chức trách, nhiệm vụ của Vụ Thi đua - Khen thưởng. Theo đó, Vụ Thi đua - Khen thưởng là đơn vị thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân, có nhiệm vụ tham mưu giúp Viện trưởng VKSND tối cao quản lý công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng các văn bản hướng dẫn chương trình, kế hoạch, nội dung và chính sách thi đua, khen thưởng cho từng giai đoạn và từng lĩnh vực công tác của ngành Kiểm sát; tổ chức thực hiện, phát động các phong trào thi đua, đề xuất các chủ trương trong công tác thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng trong Ngành; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng; kiểm tra việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát; thực hiện sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, đề xuất khen thưởng và kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Ngành; quản lý quỹ thi đua, khen thưởng của Ngành… 

Vụ 16 có 3 phòng với bộ máy lãnh đạo gồm Vụ trưởng và hai Phó Vụ trưởng. Vụ được giao chỉ tiêu 15 biên chế, ban đầu có 11 cán bộ gồm 8 người thuộc Phòng thi đua, Văn phòng VKSND tối cao và 3 người được điều động từ các đơn vị khác đến. Thời gian qua, dù biên chế, tổ chức của Vụ có nhiều thay đổi nhưng thông qua hoạt động thực tiễn cũng như tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực, trình độ của công chức trong Vụ ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nghe lãnh đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng báo cáo công tác.

Những dấu ấn nổi bật

10 năm qua, Vụ 16 đã chủ động, tích cực  tham mưu cho Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng như: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 08/2017/TT-BNV ngày 27/10/2017, Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 4/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91. 

Vụ cũng đã triển khai xây dựng Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo toàn Ngành triển khai thực hiện Đề án và ban hành nhiều văn bản thể chế hóa công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức triển khai, thực hiện trong toàn Ngành như: Kế hoạch số 11-KH/BCSĐ ngày 16/10/2014 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 16/10/2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thi đua, khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân và của Cơ quan VKSND tối cao; Kế hoạch số 47/KH-VKSTC ngày 26/4/2017 về việc xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2017-2020; Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC ngày 14/5/2019 quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong Ngành; Hướng dẫn số 31/HD-VKSTC ngày 10/9/2019 về việc phân chia cụm, khối thi đua; Quyết định số 919/QĐ-VKSTC ngày 19/12/2019 ban hành Quy chế xét, đề nghị công nhận sáng kiến; Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC ngày 29/4/2020 về việc gắn kết giữa đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm; Quyết định số 424/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2020 về việc Ban hành tiêu chí chấm điểm, xếp loại thi đua; biên soạn cuốn sách hỏi đáp pháp luật về thi đua, khen thưởng và triển khai ứng dụng phần mềm quản lý công tác thi đua, khen thưởng; Thông tư số 01/2020/TT-VKSTC ngày 15/12/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC ngày 14/5/2019; Kế hoạch số 27/KH-VKSTC ngày 31/5/2019 thực hiện Hướng dẫn số 748/HD-BTĐKT ngày 24/4/2019 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về việc tổng kết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020. 

Xác định thi đua yêu nước là động lực quan trọng thúc đẩy toàn ngành Kiểm sát nhân dân phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, với phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách  nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, căn cứ vào các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước phát động và thực tiễn hoạt động, Vụ đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua với mục tiêu: tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, hoàn thành các chỉ tiêu công tác theo các Nghị quyết của Quốc hội và của Ngành; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm xây dựng Đảng, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. 

Trên cơ sở Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về các mặt công tác, hàng năm, Vụ đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành chỉ thị, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng, chú trọng đổi mới tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, tăng cường trách nhiệm của Ban cán sự đảng, cấp ủy các cấp và đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.

­­Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm định hướng mục tiêu thiết thực cho mỗi phong trào thi đua, Vụ 16 đã tham mưu cho Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo sâu sát các phong trào thi đua, chú trọng sơ kết, tổng kết, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có nhiều sáng kiến áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần động viên, khích lệ toàn Ngành nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh cùng lãnh đạo, công chức Vụ Thi đua - Khen thưởng.

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), Vụ đã lựa chọn, giới thiệu, đề xuất cử 3 đại biểu là điển hình tiên tiến trong Ngành tham dự Lễ kỷ niệm và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông. Năm 2019, để chuẩn bị cho các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành, Vụ đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành Kế hoạch tổ chức kỷ niệm, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc trong công tác, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tạo không khí phấn khởi, động viên, cổ vũ các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành... Tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành Kế hoạch số 168/KH-VKSTC ngày 2/10/2019 về việc tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến và Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VI năm 2020 để lựa chọn, giới thiệu đại biểu là điển hình tiên tiến của Ngành tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Ngày 23/7/2015, nhân dịp Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Ngành và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lao động đối với hai tập thể (VKSND TP Hà Nội và VKSND tỉnh Quảng Ninh). Năm 2020, nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập, Vụ cũng đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao tổ chức Lễ kỷ niệm, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba cho Ngành và đề xuất, đề nghị Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho hai tập thể (VKSND TP Hồ Chí Minh và VKSND tỉnh An Giang).

Phát huy truyền thống, thành tích đạt được 10 năm qua, cán bộ, công chức Vụ 16 đang tiếp tục chủ động, đổi mới, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đưa công tác thi đua, khen thưởng ngày càng bài bản, đi vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong toàn Ngành. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác thi đua, khen thưởng; đưa chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống chấm điểm chỉ tiêu thi đua của toàn Ngành… Phấn đấu xứng đáng là cơ quan tham mưu, tạo động lực, nhân lên sức mạnh to lớn trong mỗi tập thể, cán bộ Kiểm sát, góp phần cùng toàn ngành Kiểm sát hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

Những phần thưởng cao quý, xứng đáng

10 năm qua, Vụ Thi đua - Khen thưởng đã đề xuất với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xét, tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân trong Ngành:

*Danh hiệu Anh hùng lao động: 4 tập thể; Huân chương Hồ Chí Minh: 1 tập thể; Huân chương Chiến công: 2 cá nhân; Huân chương Độc lập hạng Nhì: 7 (trong đó: 2 tập thể, 5 cá nhân); Huân chương Độc lập hạng Ba: 11 (trong đó: 1 tập thể, 10 cá nhân); Huân chương Lao động các hạng theo tiêu chuẩn cống hiến: 52 cá nhân (trong đó: 6 hạng Nhất, 24 hạng Nhì và 22 hạng Ba); Huân chương Lao động các hạng theo thành tích tập thể: 188 (trong đó: 46 hạng Nhất, 74 hạng Nhì và 68 hạng Ba); Huân chương Lao động các hạng theo thành tích cá nhân: 142 (trong đó: 8 hạng Nhất, 50 hạng Nhì và 84 hạng Ba); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 330 (trong đó có 123 tập thể và 207 cá nhân): Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 22 cá nhân.

*Toàn Ngành có 188 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 505 tập thể được tặng Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân; 2.459 tập thể cấp huyện, cấp phòng được tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối; Viện trưởng VKSND tối cao đã tặng 1.886 Bằng khen cho 236 tập thể cấp Vụ, cấp tỉnh và 1.650 tập thể cấp huyện, cấp phòng; Công nhận 893 Tập thể Lao động xuất sắc; 5.629 danh hiệu Lao động tiên tiến; Tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Ngành” đối với 2.015 cá nhân; tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” đối với 1.099 cá nhân thuộc cơ quan VKSND tối cao; 7.336 cá nhân được tặng Bằng khen của Viện trưởng do hai năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được của đơn vị trong 10 năm qua, Vụ Thi đua -  Khen thưởng đã vinh dự được tặng thưởng 2 Cờ thi đua của Chính phủ, 6 Cờ thi đua của Ngành và 2 lần đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp chủ động sáng tạo xây dựng kế hoạch phát động, triển khai thực hiện các phong trào thi đua gắn với chức trách, nhiệm vụ của đơn vị do mình quản lý nhằm tạo sự chuyển biến thực chất về nhận thức và hành động của cá nhân, tập thể, đơn vị, hướng tới xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành KSND gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm, kỷ cương, có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo đúng phương châm công tác “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”.

(Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 27/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023)


P.V