Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo cơ quan chủ trì xây dựng, Luật TĐKT được Quốc hội khóa XV (Kỳ họp thứ 3) thông qua ngày 15/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Ngày 1/8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 917/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Bộ Nội vụ được giao triển khai xây dựng 2 Nghị định quy định chi tiết 29 điều được giao trong Luật TĐKT, trong đó 1 Nghị định quy định chi tiết 28 điều được giao trong Luật TĐKT gồm các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, “Tập thể lao động xuất sắc” trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; về thẩm quyền đề nghị, trình khen thưởng đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác; việc trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; hồ sơ, thủ tục xét tặng đối với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; việc công nhận mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể; việc công khai khen thưởng đối với cá nhân, tập thể; việc khen thưởng theo thủ tục đơn giản.
Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng TĐKT các cấp và Hội đồng TĐKT tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ TĐKT; quy định mẫu, màu sắc, số sao, số vạch cho từng loại, hạng huân chương, huy chương, huy hiệu của danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động”, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, kỷ niệm chương; chất liệu, kích thước khung các loại huân chương, huy chương, bằng, cờ, giấy khen của các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng…
|
|
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Báo Bảo vệ pháp luật tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của ngành Kiểm sát nhân dân. (Ảnh: Trần Tùng) |
Cùng với đó, Luật TĐKT có đối tượng điều chỉnh rộng, rất đa dạng, mỗi đối tượng được điều chỉnh có đặc thù khác nhau về tính chất, vị trí pháp lý, ngành nghề, nhiệm vụ công tác, đặc điểm hoạt động (các tập thể, cá nhân trong cả hệ thống chính trị, công nhân, nông dân, công chức, viên chức, trí thức, nhà khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài...).
Mặc dù đã Luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua vào Luật TĐKT để cụ thể hơn các tiêu chuẩn, điều kiện so với Luật hiện hành, tuy nhiên, vẫn chưa xử lý được phạm vi và đối tượng một cách chi tiết. Vì vậy, trên cơ sở các quy định của Luật TĐKT năm 2022, các văn bản quy định chi tiết sẽ quy định cụ thể hơn điều kiện, tiêu chuẩn của các nhóm đối tượng, lĩnh vực, để bảo đảm tính khả thi và bao quát được thực tiễn đời sống xã hội, cũng như tạo thuận lợi trong quá trình tra cứu, nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TĐKT là cần thiết nhằm quy định chi tiết các điều khoản được giao trong Luật đảm bảo Nghị định có hiệu lực thi hành đồng thời cùng với hiệu lực thi hành của Luật; đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình triển khi thực hiện Luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TĐKT trong tình hình mới.
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về TĐKT và phù hợp với thực tiễn; đảm bảo cải cách thủ tục hành chính về TĐKT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TĐKT; bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng trong xã hội, động viên, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về bố cục, dự thảo Nghị định được xây dựng thành 10 chương, 120 điều. Trong đó, liên quan đến nguyên tắc khen thưởng, dự thảo Nghị định nêu rõ: Hình thức khen thưởng phải phù hợp với đối tượng, chức năng, nhiệm vụ được giao của tập thể, cá nhân và thành tích đạt được.
Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn.
Thời gian nghỉ thai sản theo quy định được tính để bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.
Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỉ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng.
Thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ được giảm 2 năm so với quy định chung; trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung.
Xem toàn văn nội dung dự thảo Nghị định để góp ý tại đây: du-thao-luat.pdf