|
|
Phiên hiến kế nhằm thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển nhanh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trên 10%/năm; đóng góp trên 6,8% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm.
Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, ngành du lịch còn một số tồn tại, hạn chế. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực; sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, hiến kế, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách về 4 nhóm vấn đề quan trọng: Cải thiện tính cạnh tranh của chính sách thị thực Việt Nam; cải thiện năng lực cạnh tranh và tính bền vững của du lịch Việt Nam; cải thiện hạ tầng hàng không Việt Nam; chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam.
Cải thiện tính cạnh tranh của chính sách thị thực Việt Nam
Ông Trương Tấn Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty tiếp thị Sài Gòn Saigontourist cho rằng thủ tục cấp thị thực của Việt Nam khiến du khách cảm thấy không được chào đón, vì vậy, ông Sơn đề xuất miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, miễn 5 đến 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty du lịch Sang Trọng cho rằng cơ chế chính sách về du lịch đang có nhiều vấn đề trong đó có vấn đề thị thực, ông Hà kiến nghị nâng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày thậm chí dài hơn. Bên cạnh đó ông Hà còn cho rằng ngành du lịch phải đào tạo nguồn lực du lịch tốt hơn, muốn phục vụ khách du lịch cao cấp phải có nguồn nhân lực cao cấp.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, Việt Nam có thể áp dụng chính sách visa linh hoạt, cấp theo theo thị trường khách đông-vắng theo mùa, có thể linh hoạt miễn thị thực cho khách tới tham dự và có vé của những sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak...
Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cho rằng qua các nghiên cứu tổng kết, từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.
Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực. Miễn thị thực đơn phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách cần đi đôi với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Chính vì vậy, bà Lan cho rằng việc mở rộng hay áp dụng rộng rãi cần xem xét mối quan hệ giữa hai nước, an ninh, đối ngoại và đảm bảo lợi ích công dân Việt Nam. "Chúng tôi cân nhắc cải thiện về tăng số ngày phù hợp với tour xuyên Việt, bỏ quy định sau 30 ngày nhập cảnh miễn thị thực đơn phương. Những thứ này đã được quy định trong luật nhưng Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã phối hợp đưa vào quy trình sửa đổi luật cư trú của người nước ngoài. Hy vọng có cải thiện như các đề xuất vừa được nêu ra", bà Lan nói.
Bên cạnh đó Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết Bộ Công an đang đưa vào luật hoá thị thực điện tử để thủ tục ổn định, có cơ sở pháp lý để thực hiện, nhằm cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, về công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, cơ quan này đang nghiên cứu dựng cổng xuất nhập cảnh tự động tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài.
Cải thiện năng lực cạnh tranh và tính bền vững của du lịch Việt Nam
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh chia sẻ từ năm 2000 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai được nhiều giải pháp để phát triển du lịch. Đà Nẵng có các chương trình 5 không, 3 có, tập huấn đào tạo với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch về cách ứng xử, phục vụ. Ngoài ra địa phương có đường dây nóng 24/24h và trung tâm hỗ trợ du khách. Nhà vệ sinh công cộng là việc nhỏ nhưng rất quan trọng với du khách. Đà Nẵng đã xã hội hoá chương trình “Thoải mái như ở nhà”, hỗ trợ khách du lịch giải quyết nhu cầu cá nhân trên tuyến đường du lịch.
Đại diện của TP Huế cũng chia sẻ tại hội nghị: Để đảm bảo môi trường du lịch trong thời gian dài và những sự kiện lớn, Huế thường xuyên tổ chức những lực lượng liên ngành để kiểm tra, rà soát các dịch vụ, cơ sở lưu trú trước những sự kiện. Tiếp theo là đường dây nóng của Sở Du lịch và thiết lập lực lượng xử lý tại chỗ. Ngoài ra, Huế có phong trào "Nói không với túi nilon" sắp phát động với người dân và các doanh nghiệp; lắp camera giám sát an ninh tại các điểm tham quan, để phát hiện những hành vi kém ý thức.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Transviet Travel cho rằng cần có một bộ tiêu chí chấm điểm về an ninh trật tự, quản lý môi trường điểm đến, cơ sở hạ tầng, chất lượng và sự hấp dẫn. Các tiêu chí này được đánh giá bởi khách du lịch, các chuyên gia lữ hành, thực hiện hàng năm. Việc công bố xếp hạng sẽ giúp các tỉnh nhìn lại mình. Kết quả này sẽ định hướng du khách tới các nơi có điểm số cao để thúc đẩy du lịch chung trong cả nước.
Cải thiện hệ tầng hàng không Việt Nam
Tính đến tháng 3/2019, hàng không Việt Nam đang có 22 cảng trong đó có 9 cảng quốc tế. Từ 2014-2018, hàng không Việt Nam thuộc top phát triển nhanh nhất thế giới, cùng Trung Quốc, Ấn Độ. Thành quả này nhờ chính sách mở cửa và sự tham gia của kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, năng lực hệ thống kết cấu hàng không hiện nay đang thiếu hụt về hạ tầng, cản trở đến kinh tế và du lịch. Nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế. Còn ông Trần Long (Du lịch Việt ) thì cho rằng bất cập về giao thông khi nhiều tuyến chưa có đường bay thẳng, sân bay nội địa luôn rơi vào tình trạng tắc nghẽn, chậm chuyến… cũng là những yếu tố giảm sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Ông Đinh Việt Phương đưa ra giải pháp: “Cần tạo ra những cảng hàng không có chất lượng dịch vụ, cạnh tranh tốt, rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng, kêu gọi các khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ, kiện toàn pháp lý tạo môi trường bình đẳng cho các khối kinh tế, lập quy hoạch phát triển dài hạn hệ thống cảng hàng không, nâng tầm chiến lược quốc gia”.
Chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam
Nhiều ý kiến về chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam xoay quanh Quỹ phát triển du lịch. Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn chung tay phát triển quỹ nhưng cho rằng việc tiếp cận quỹ rất khó. Do đó, quy chế hoạt động của quỹ phải chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.
Ông Trương Tấn Sơn - đại diện Saigontourist cho biết các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng chung tay quảng bá du lịch Việt nhưng phải chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. Về việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng tiếp cận quỹ này rất khó.
Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP HG cho rằng khi có sự tham gia của doanh nghiệp, hiệu quả sẽ cao hơn. Minh chứng rõ ràng nhất thể hiện qua website vietnam.travel do Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện, có nhiều khác biệt nổi trội so với những trang quảng bá cũ. Việt Nam cần thành lập các văn phòng quảng bá du lịch ở nước ngoài. Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản rất thành công ở thị trường Việt Nam vì họ có văn phòng ở đây, có nhiều sáng kiến hợp tác.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Hanoi Redtours đánh giá hiện nay những tài nguyên du lịch được khai thác rất hoang sơ, đơn điệu thay vì được gọt giũa để gia tăng giá trị.
Mỗi khi tài nguyên du lịch được phát hiện, các cá nhân tự phát triển theo lối riêng mà chưa khai thác đúng giá trị. Các tài nguyên này nhanh chóng bị xâm hại và phá vỡ. Điều này khiến sản phẩm đơn điệu, kém hấp dẫn thậm chí tạo ấn tượng không tốt, dẫn đến khách nghỉ ít hơn.
“Những tài nguyên du lịch cần được khảo sát thật kỹ để gia tăng giá trị. Chúng ta cần quan tâm hơn đến doanh thu, chi trả từ du khách. Cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đã có một số nhóm hợp tác với nhau nhưng nhỏ lẻ, đôi khi dẫn đến các bất cập. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội cần kết nối du khách, các doanh nghiệp lữ hành”, ông Hoan trao đổi.