leftcenterrightdel
Chiều 26/3/2023 diễn ra lễ đón chuyến bay trực tiếp đầu tiên từ Narita (Nhật Bản) đến thành phố Đà Nẵng, do Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khai thác sau thời gian dài tạm ngưng vì dịch COVID-19. Chuyến bay đầu tiên mang số hiệu VN319 đã đưa gần 180 hành khách Nhật Bản đến với thành phố biển Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Mới đây, Chính phủ đã nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày (3 tháng), có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Như vậy là một "nút thắt" của ngành Du lịch đã sắp được tháo gỡ thành công, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút khách quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Kịp thời và tạo đột phá cho du lịch 

Về đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ngành Du lịch hết sức vui mừng trước thông tin nêu trên. Đây là tín hiệu tốt cho ngành Du lịch bởi chúng ta đã mở cửa sớm nhất so với các nước trong khu vực sau dịch nhưng chính sách visa của chúng ta lại kém cởi mở hơn. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2022 chưa đạt được như mục tiêu đề ra. 

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, nếu đề xuất của Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn sẽ giống như tạo luồng gió mới cho du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Hình ảnh đất nước giàu tài nguyên du lịch, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, hấp dẫn khách du lịch, còn có thêm điều kiện thuận lợi về thị thực để thu hút khách, sẽ giúp du lịch phục hồi và phát triển nhanh nhất. 

Ông Vũ Thế Bình phân tích, vấn đề quan trọng hiện nay là du lịch Việt Nam  hướng tới mục tiêu thu hút dòng khách chi trả cao. Những khách này thường đến Việt Nam để nghỉ dưỡng, khám phá, thời gian du lịch từ 3 tuần trở lên. Trong khi đó, chính sách hiện hành của Việt Nam chỉ miễn thị thực trong 15 ngày đã làm giảm đáng kể lượng khách lựa chọn nước ta. Chúng ta có thể gia hạn thị thực cho họ ở lại thêm nhưng người đi du lịch thường không muốn mất nhiều thời gian cho thủ tục. Do đó, quyết sách kịp thời như thế này có hiệu lực chắc chắn sẽ thu hút được lượng khách vốn đã rất yêu mến đến Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cho rằng: Đề xuất nới rộng các nước cấp thị thực điện tử; tăng thời gian lưu trú dài hơn hẳn so với quy định hiện hành là một đột phá, bước tiến mới để chúng ta theo kịp với khu vực và quốc tế, tạo điều kiện cho du khách đến Việt Nam đông đảo hơn. 

Theo ông Phạm Văn Thủy: Vấn đề visa là nhu cầu cần, điều kiện đủ cho doanh nghiệp du lịch thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm chào bán, thu hút khách từ sớm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt cho ngành Du lịch, nhất là các doanh nghiệp phát triển bền vững về sau. Thay đổi chính sách thị thực theo hướng thuận lợi hơn cho du khách đó là mong muốn chung của các doanh nghiệp cũng như toàn ngành Du lịch. Đặc biệt, đề xuất nâng thời gian lưu trú, tăng số lượng các nước, vùng lãnh thổ được cấp visa điện tử là cơ hội để du lịch Việt Nam cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng, đây sẽ là “cơ hội vàng” cho du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Tháo gỡ “nút thắt” cho du lịch

Khi đề xuất của Chính phủ được phê chuẩn, ngành Du lịch, trong đó, Tổng cục Du lịch phải có trách nhiệm trong việc truyền thông, đưa chính sách đó đến với đông đảo bạn bè quốc tế thông qua nhiều kênh quảng bá khác nhau. Các doanh nghiệp phải có biện pháp quảng bá, xúc tiến, xây dựng kế hoạch, sản phẩm phù hợp để đón khách. Cùng với các kênh chính thống còn có mạng xã hội, thông tin đến các doanh nghiệp đối tác cần được truyền đi nhanh chóng. Hy vọng du khách sẽ nhận được thông tin này để nhanh chóng lên kế hoạch sớm sang Việt Nam.

Theo phân tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Chính sách cấp thị thực nhập cảnh thuận lợi có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 - 25% mỗi năm. 

Nghiên cứu về tác động từ việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho thấy, lượng khách trung bình từ các quốc gia này tới Việt Nam đã tăng gần 20%. Điều này chứng minh, những thay đổi về chính sách visa theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn luôn là “chìa khóa” thu hút khách quốc tế, tạo ra sự bứt phá ngoạn mục cho du lịch.

Từ ngày 15/3/2022 khi du lịch mở trở lại, Việt Nam đã bắt đầu đầu áp dụng lại chính sách miễn thị thực song phương và đơn phương. Trong đó, công dân 12 quốc gia được miễn thị thực đơn phương; miễn thị thực song phương cho công dân 13 quốc gia, trong đó có 11 quốc gia châu Âu (thay vì 5 quốc gia trước đây). Việt Nam tiến hành cấp thị thực điện tử cho công dân khoảng 80 nước... 

Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đã miễn visa cho rất nhiều nước. Ví dụ, Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước; Philippines miễn cho 157 nước; Thái Lan miễn cho 65 nước...

Mặt khác, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam (15 ngày), được cho là ngắn hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN (thường là 30 ngày trở lên). Đến nay, nhiều nước ASEAN đã tăng thời hạn miễn thị thực từ 30 ngày lên đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày để tạo cơ hội thuận lợi thu hút du khách quốc tế. Thời hạn miễn thị thực với khách quốc tế đến Việt Nam là 15 ngày, hơi ngắn so với các nước trong khu vực và chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là các thị trường xa như châu Âu, thường đi 3 - 4 tuần.

Do đó, nhiều chuyên gia du lịch, đơn vị lữ hành, du lịch đã kiến nghị tháo gỡ "nút thắt" về visa để tạo điều kiện thuật lợi thu hút khách. Trong đó, đối với du khách từ các nước trong diện miễn visa, cần kéo dài thời hạn lên mức tiêu chuẩn là 30 ngày thay vì 15 ngày. Việc này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn hấp dẫn cả dòng khách thương mại, đầu tư mong muốn có chuyến đi dài ngày làm việc kết hợp du lịch. Bên cạnh đó là cần miễn thị thực cho khách xuất nhập cảnh nhiều lần thay vì một lần như hiện nay; kéo dài thời hạn miễn từ 3 năm như hiện nay lên 5 năm để các đơn vị lữ hành, du lịch có thời gian xây dựng sản phẩm thu hút khách. Cùng với đó là chính sách miễn thị thực cho dòng khách du lịch ngắn ngày như khách MICE, khách du lịch golf... 

Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngành Du lịch đã đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ; xem xét thí điểm cấp thị thực tại cửa khẩu...

Mới đây, Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ra mắt Sách trắng 2022 - 2023 với nội dung: "Nỗ lực hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, thực thi toàn diện EVFTA và hoàn tất phê chuẩn EVIPA". Trong đó nêu rõ: Chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những đòn bẩy có tác động lớn nhất đến dòng khách du lịch quốc tế. Sau đại dịch, nhiều quốc gia đang nghiên cứu phương án mở rộng phạm vi miễn thị thực. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều việc làm. 

Do đó, đề xuất của Chính phủ về visa được toàn ngành Du lịch đánh giá cao. Bởi lẽ đây là cách thức rất hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và gia tăng dòng khách du lịch quốc tế, từ đó tăng thu ngoại tệ và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân...

Theo TTXVN