Nhiều tiềm năng, thuận lợi nhưng vướng pháp lý

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện một số mô hình làm du lịch trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều này đang gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn cơ quan chức năng trong việc quản lý.

leftcenterrightdel
 Một điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Lý giải về điều này, ông Kiều Quí Diện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cho hay, hầu hết các mô hình du lịch đều nằm trên đất nông nghiệp hoặc quy hoạch đất lâm nghiệp. Trong khi việc chuyển mục đích sử dụng đất rất phức tạp, qua nhiều bước và mất rất nhiều thời gian nên chưa tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Hơn nữa, các dự án chưa được cấp phép đầu tư đã triển khai thực hiện sẽ chịu xử lý theo quy định. Trong đó, có thể bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất... và chủ đầu tư sẽ rơi vào thế "tiền mất, tật mang".

Ông Lương Thành Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành – chủ đầu tư Khu du lịch thác Đắk Glung (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, Khu du lịch thác Đắk Glung được đầu tư hàng trăm tỉ đồng để phát triển du lịch. Thế nhưng, những vướng mắc về mặt pháp lý nói trên đã khiến cho cơ sở hạ tầng, đường sá tại khu du lịch thác Đắk Glung đang bị xuống cấp đã cản trở phương tiện chở khách đến đơn vị tham quan du lịch. Mặt khác, tại khu du lịch chỉ có sóng của nhà mạng Viettel nhưng chất lượng dịch vụ kém, gây ảnh hưởng khá nhiều đến vấn đề sản xuất, kinh doanh và trải nghiệm của du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng.

Theo ông Tài, chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 theo Quyết định năm 2011 của UBND tỉnh Đắk Nông không còn mang tính thực tiễn, chưa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách du lịch. Nếu toàn bộ quy hoạch xây dựng phải nằm trong đất thương mại dịch vụ là rất khó, vì bản chất du lịch sinh thái là hài hòa cùng thiên nhiên, không thể tách rời. Bên cạnh đó, phải có đường sá, cơ sở hạ tầng nằm xem trong rừng nhưng không tác động đến sự phát triển của rừng nhằm phục vụ các hoạt động tìm hiểu về rừng nguyên sinh.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Phú - Chủ đầu tư điểm du lịch sinh thái Suối Đá Glamping (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết, ông đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng để cải tạo, xây dựng hạ tầng trên đất nông nghiệp. Thời điểm xây dựng, diện tích đất nông nghiệp này đã được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ. Thế nhưng, quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Đắk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Ông Võ Ngọc Anh, quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Wer (huyện Đắk R'lấp) cho hay, địa phương rất mong muốn có những mô hình nông nghiệp gắn với du lịch để quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương ra thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, giúp người nông dân tránh được điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Đồng thời, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương lại đang gặp vướng mắc trong khâu hành lang pháp lý để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Giải pháp nào để tháo gỡ?

Đứng trước những khó khăn, vướng mắc gặp phải, ông Lương Thành Tài - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phúc Lâm Thành kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông và các sở ngành cần đồng bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ba loại rừng. Qua đó, tạo hành lang pháp lí cho doanh nghiệp được thực hiện đầu tư và từng bước hoàn thành những thủ tục pháp lí kèm theo.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần cho quy hoạch xây dựng đi trước, rồi đồng bộ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, trên tiêu chí không làm ảnh hưởng đến rừng, giữ toàn bộ cây rừng lớn. Đặc biệt, các ngành chức năng cần hướng dẫn đơn vị điều chỉnh lại dự án theo đúng quy hoạch, phù hợp với thực tế, tuân thủ các quy định của pháp luật.

UBND tỉnh, huyện cũng cần có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định lâu dài trên tinh thần hài hòa giữa lợi ích đôi bên, giúp nhau tháo gỡ khó khăn, cùng tồn tại để phát triển. Từ đó, doanh nghiệp mới có thể chung tay xây dựng ngành du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển bài bản, bền vững và có bản sắc.

Ông Vũ Ngọc Vinh (người đang quản lý một điểm du lịch sinh thái ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cũng đề nghị các ngành chức năng cần nắm bắt tình hình, cơ hội phát triển du lịch của người dân, doanh nghiệp để cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, cần công khai minh bạch hoá các thủ tục về đất đai, quy hoạch để người dân, doanh nghiệp nắm rõ. Qua đó, tạo cơ chế thông thoáng, dễ dàng trong việc phát triển du lịch như chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ.

Còn theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng – Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp - Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, muốn triển khai các dự án du lịch dưới bất kỳ hình thức nào thì người dân và doanh nghiệp đều phải dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nếu làm sai thì người dân, doanh nghiệp hay thậm chí cả chính quyền địa phương sẽ bị cấp có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm về vi phạm.

UBND các tỉnh, thành phố nếu muốn phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái… trên đất nông nghiệp thì có thể làm đề án thử nghiệm trước một vài mô hình cho đến vài chục mô hình để có sự đánh giá rồi mới triển khai với quy mô lớn. Trung ương đã có nhiều văn bản hướng dẫn thí điểm phát triển mô hình du lịch trên đất nông nghiệp.

Đối với các mô hình đã lỡ vi phạm quy định xây dựng trên đất nông nghiệp, nếu như chính quyền địa phương quyết tâm phát triển du lịch thì có thể triển khai các biện pháp hướng dẫn, xem thử dự án chưa đúng ở điểm nào để tháo gỡ ngay những khó khăn gặp phải.

"Tức là giúp cho các mô hình chưa hợp lý trở về thành “trạng thái đúng” nhưng vẫn phải đúng theo quy định hiện hành và trong một khoảng thời gian cho phép. Việc phát triển du lịch nông nghiệp muốn thành công phải tuỳ thuộc vào sự linh động, ý chí giải quyết của chính quyền các địa phương" - ông Tùng phân tích.

Cũng theo ông Tùng, một tỉnh muốn phát triển du lịch thì phải quy hoạch toàn tỉnh rồi dựa trên quy hoạch đó mới tiếp tục phát triển. Còn nếu như không làm được quy hoạch toàn tỉnh thì việc làm du lịch sẽ rất khó.

Điều quan trọng, người tư vấn quy hoạch phải hiểu rõ được nguồn lực của địa phương có thực hiện được hay không. Có những quy hoạch cần sự đầu tư quá lớn nhưng địa phương không có nguồn lực để thực hiện thì quy hoạch đó cũng chỉ nằm trên giấy.

Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho rằng, tỉnh Đắk Nông có địa lý vị trí thuận lợi về khí hậu, tài nguyên nước, thổ nhưỡng. Hơn nữa, đây là địa phương tiếp giáp với các tỉnh thành trọng điểm kinh tế phía Nam nên rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa giá trị. Theo đó, việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp xanh, bền vững, gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn là một trong những hướng đi mà ngành nông nghiệp đang tập trung tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo./.

Nguyễn Chính - Phan Lâm