Triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả

Tâm Thắng là xã vùng cao, nằm trên trục đường Quốc lộ 14 và cũng là cửa ngõ của huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Với sự nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể, lãnh đạo địa phương và sự đồng lòng của người dân, năm 2019, Tâm Thắng là một trong 4 xã đầu tiên của tỉnh Đắk Nông và là xã đầu tiên của huyện Cư Jút về đích nông thôn mới.

Đến giai đoạn 2021-2025, địa phương này lại tiếp tục được huyện chọn làm đơn vị điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Qua rà soát, hiện nay xã Tâm Thắng đã đạt 15/19 tiêu chí và 66/75 chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao. Hiện xã Tâm Thắng đang tập trung các nguồn lực để quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

leftcenterrightdel
 Đường giao thông nông thôn tại xã Tâm Thắng khang trang sạch đẹp. Ảnh: NC.

Ông Trần Thế Quang – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, để từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới nâng cao và tổ chức nhiều cuộc họp để tiến hành rà soát các tiêu chí, đánh giá nguyên nhân nhằm có cơ sở triển khai thực hiện. Theo đó, xã Tâm Thắng xác định, nội dung quan trọng nhất là nâng cao ý thức về ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Do đó, cấp ủy cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức như thông qua các cuộc họp thôn, buôn sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của tổ chức hội, đoàn thể, qua hệ thống truyền thanh, qua các phong trào thi đua của địa phương.

Hơn thế nữa, xã Tâm Thắng cũng tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực từ trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo,... Từ năm 2021 đến nay, chính quyền xã Tâm Thắng đã tập trung các nguồn lực để hỗ trợ chuyển đổi nghề cho bà con nhân dân. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế mới như trồng nấm, chế biến nông sản. Hiện nay, xã Tâm Thắng là địa bàn chủ lực về sản xuất các loại nấm ăn.

leftcenterrightdel
 Nhờ trồng nấm đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Phi (xã Tâm Thắng) ngày càng được cải thiện kinh tế. Ảnh: NC.

Nhờ nghề trồng nấm, nhiều người dân trên địa bàn đã từng bước thoát nghèo và ngày càng vươn lên trong cuộc sống. Trong đó phải kể đến hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phi (SN 1960, trú tại thôn 3, xã Tâm Thắng). Ông Phi cho biết, trước đây, gia đình ông là hộ nghèo của địa phương, do không có việc làm ổn định nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, từ khi triển khai mô hình trồng nấm đến nay đã giúp cho kinh tế của gia đình ông ngày càng được cải thiện. Mỗi năm, gia đình ông thu được khoảng 10 tấn các loại nấm, thu lợi từ 200-300 triệu đồng/năm.

Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Tâm Thắng có 4 sản phẩm OCOP (thịt bò khô, hạt điều rang muối, chuối sấy), trong đó có 3 phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm 3 sao.

Ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cao cho người dân là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi đồng thời cũng là mục tiêu chính của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, trong những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.

Do đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất đem lại thu nhập cao. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới ngày càng nhiều và hoạt động hiệu quả hơn, từng bước giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân các khu vực nông thôn.

Hái “quả ngọt” nhờ dân vận khéo

Nhờ dân vận khéo, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao được người dân trên địa bàn nhiệt tình ủng hộ, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Theo đó, thời gian qua, nhân dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến khoảng 4,2ha đất để mở rộng, nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường giao thông, với giá trị hơn 8 tỉ đồng. “Khi người dân đồng lòng cao thì mọi công trình sẽ hoàn thành sớm và tốt hơn” – ông Trần Thế Quang nói.

Cụ thể, trong quá trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường cầu sắt (hay còn gọi là đường Nguyễn Văn Linh kéo dài), có chiều dài khoảng 3km, nhiều hộ dân tại các thôn 7, 8, 9, 10, 14 đã tự nguyện phá hàng rào, quán, hiến đất có giá trị cao. Đơn cử, hộ gia đình bà Trần Thị Khánh đã tự nguyện tháo dỡ quán, hiến 3m đất mặt đường, trị giá hơn 600 triệu đồng để làm đường, phục vụ công trình dân sinh.

Ngoài ra, các hộ dân còn sẵn sàng tham gia đóng góp một phần kinh phí để lát vỉa hè, trồng cây xanh trên tuyến đường cầu sắt. Đến nay, nhờ sự đoàn kết, ủng hộ của người dân, tuyến đường này đã được nâng cấp, mở rộng rất thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, buôn bán hàng hóa.

Hay khi khởi công mở tuyến đường vành đai từ xã Tâm Thắng đi thị trấn Ea T’ling và xã Trúc Sơn (huyện Cư Jút), không ít người dân đã sẵn sàng hiến đất có giá trị hàng tỉ đồng. Trong đó, gia đình anh Trần Ngọc Vũ (trú tại thôn 8, xã Tâm Thắng) là người hiến nhiều đất nhất trong dự án với diện tích khoảng 1ha, có trị giá hàng tỉ đồng.

Tương tự, gia đình bà Mai Thị Lụa (trú thôn 10, xã Tâm Thắng) có gần 2ha rẫy nằm trên tuyến đường vành đai đi qua. Sau khi biết được thông tin dự án đi qua và được chính quyền địa phương đến vận động, gia đình bà Lụa đã hiến 2 sào đất đang sản xuất có trị giá hàng trăm triệu đồng mà không hề đề xuất Nhà nước bồi thường hay hỗ trợ gì.

leftcenterrightdel
 Vị trí đất của gia đình bà Lụa hiến cho Nhà nước làm đường để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NC.

Ông Vũ Sinh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, tuyến đường vành đai từ xã Tâm Thắng đi thị trấn Ea T’ling và xã Trúc Sơn có chiều dài 7,5km (trong đó đoạn qua xã Tâm Thắng 3,2km). Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối các xã trong huyện Cư Jút. Khi tuyến đường vành đai hoàn thành sẽ tạo tuyến phân chia lưu lượng xe vào trung tâm thị trấn Ea T’Ling, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đoàn kết của nhân dân, đến nay, 100% các tuyến đường trên địa bàn xã Tâm Thắng đã được cứng hóa và đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Trần Thế Quang chia sẻ, để công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường đạt hiệu quả cao thì địa phương phải bám vào quy hoạch nông thôn mới, đặc biệt là quy hoạch giao thông. Trên cơ sở đó, làm công tác cắm mốc, thông báo họp dân để tuyên truyền, vận động. Mặt khác, chính quyền địa phương đã chia tổ, nhóm để hàng ngày đi đến từng nhà dân hực hiện công tác tuyên truyền, vận động.

Đặc biệt, trong quá trình vận động thì các đoàn thể, mặt trận, người có uy tín, cán bộ Đảng viên bắt buộc phải gương mẫu, đi đầu thực hiện./.

Nguyễn Chính - Tâm An