leftcenterrightdel
Bên cột mốc chủ quyền A Pa Chải (Đồn 317). 

Trong rất nhiều chuyến đi Mường Nhé hiện nay và Mường Tè trước kia, tôi ấn tượng nhất là chuyến đi vào thời điểm huyện mới được chia tách theo Nghị quyết của Chính phủ. Đêm ấy, chúng tôi nghỉ ở bản Đoàn Kết, bản trung tâm của xã Chung Chải. Trong căn nhà gỗ thưng ván, lợp ngói xi măng của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vù Go Xá, tôi nằm đếm giọt sương rơi và lắng nghe từ trên dãy núi Tả Dền Thàng, từng tiếng nai lẻ loi gọi bạn lẫn trong tiếng róc rách ngàn đời cô đơn của dòng Nậm Ma chảy về từ một khe đá gần như dựng đứng nơi biên thùy...

Trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được, nghĩ lại hành trình vào Chung Chải mà thở phào nhẹ nhõm, nhưng lại lo sợ khi hình dung lượt quay ra. Chưa đầy 200 km mà cái xe U oát của chúng tôi phải chạy hết gần một ngày vất vả, đến mức lúc tới nơi thì hai bánh trước rơi đâu mất 3 con ốc. Dạo đó, đường vào Chung Chải mới mở xong, màu đất đỏ hoang hoải lẫn với màu xám bạc của đá núi, vừa lẫn với màu tro than nham nhở của những vụ cháy rừng không biết ai là thủ phạm. Thảo nào, bữa trưa lúc chúng tôi ăn cơm ngoài trung tâm huyện, tay chủ quán liến thoắng bằng cái mồm răng lợi lởm chởm, để “tiếp thị” món thịt lợn rừng của ông ta: “Các bác cứ xơi rồi khắc nhận ra hương vị tuyệt hảo đặc trưng của núi, rừng Mường Nhé quê em...”.

Tôi đã có những buổi chiều mê mải đắm mình trong hoàng hôn Mường Nhé, bâng khuâng dõi theo những cánh chim chiều mờ dần, mờ dần sau dãy núi miền quan tái trập trùng. Nhớ làm sao mấy chục năm trước, lúc tôi cùng nhà thơ Đỗ Thị Tấc, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, lang thang mấy tháng trời dọc biên giới Việt - Trung. Sau chuyến đi “thấy gì cũng ghi, cũng chụp” ấy, Đỗ Thị Tấc có cảm hứng để sáng tác bài thơ mà tôi rất thích. Đó là thi phẩm có tên: “Ở ngã ba biên giới”, nội dung nói về cuộc sống thường nhật của ba người phụ nữ thuộc ba quốc gia Việt - Trung - Lào.   

leftcenterrightdel
Một gia đình đồng bào Mông (huyện Mường Nhé) chuẩn bị ăn Tết truyền thống. 

Tại địa bàn xã biên giới Sín Thầu - “ngôi nhà chung” của đồng bào sắc tộc Hà Nhì - vào thời điểm này, Sín Thầu vẫn là một xã nghèo, của một huyện nghèo thuộc Chương trình 30a/CP. Song dù nghèo thì Sín Thầu vẫn là xã duy nhất trong huyện không có người di cư tự do, không có người nghiện hút và đặc biệt, không có ai đang tâm bán mình cho những điều cuồng tín... Năm học vừa qua, riêng hệ Mẫu giáo huyện Mường Nhé có gần 150 trường và điểm lớp. Vì vậy, khi đi qua các bản làng, lòng ta vui lây bởi tiếng trẻ tập đánh vần. Xin hãy sẻ chia với các thầy giáo, cô giáo ở Sín Thầu - những người mà từ khi lên đây chưa bao giờ được tặng dù chỉ một bông hoa rừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nơi nào không biết chứ ở Mường Nhé, nhiều giáo viên thương học trò như mẹ thương con. Những gì khả năng nhà trường không kham nổi thì cậy nhờ chính quyền, các nhà hảo tâm và nhất là lực lượng Biên phòng giúp đỡ.

Độ rày tiếng chim “banh bong banh bọc” đang ríu ran khắp các cánh rừng Mường Nhé, báo hiệu ra Giêng lại một mùa nương mới bắt đầu. Với giáo dục vùng cao nói chung và Mường Nhé nói riêng, mùa nương cũng có nghĩa là “mùa bỏ học” - mùa mà chính quyền, ngành Giáo dục - Đào tạo và lực lượng Biên phòng không thể an lòng, mỗi khi thấy trong lớp thêm những hàng ghế trống. “Các em ơi, đã học chưa?/Các anh dựng cho em trường mới nữa”; đó là câu thơ của Tố Hữu từng một thời làm se sắt lòng ta, nay chúng tôi ngậm ngùi nhớ lại trong những ngày ở Sín Thầu. Có câu chuyện ở một lớp xóa mù chữ hệ tiểu học, bài văn tả con trâu của ba người (bố - con - cháu) nhà nọ giống nhau như đúc. Thầy giáo hỏi sao bài lại giống nhau như thế, học sinh trả lời theo cách không thể hồn nhiên hơn: “Anh thầy giáo ơi, chúng mình cùng tả con trâu của nhà mình mà!”. Đương nhiên là thầy giáo thừa biết lý do, nhưng thầy vẫn chấm cho cả ba người điểm khá cao, vì nếu không thế thì từ mai “gia đình ba thế hệ xóa mù” này sẽ không đi học nữa!

Đêm Sín Thầu, cùng tiếng gió mùa ràn rạt, tiếng nai lẻ bạn tác liên hồi khiến năm canh như dài ra. Lắng trong âm thanh muôn trùng của cuộc sống đại ngàn, tôi bồi hồi nghe các già bản kể về huyền tích “đất lành nên suối chung dòng” - một cách giải thích cội nguồn ý nghĩa địa danh Sín Thầu theo ngữ hệ Hà Nhì. Chuyện rằng, cách đây không biết bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu nghìn năm, bước thiên di đã đưa những người Hà Nhì đầu tiên đến an cư lập nghiệp ở vùng đất suối yêu người nên chung dòng cho cá to, tôm béo này. Để rồi hôm nay, trong lịch sử hình thành và phát triển hơn một thế kỷ của tỉnh Điện Biên, Ban Công an xã Sín Thầu là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được tặng danh hiệu: “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”... 

leftcenterrightdel
Đồng bào Hà Nhì (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) vui Tết cổ truyền. 

Cách đây chưa lâu, Đồ án Quy hoạch cửa khẩu A Pa Chải đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trọng tâm là một vùng sơn địa hình chữ nhật, nằm nghiêng ven suối Mo Phí theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, tụ thủy được tạo bởi 2 dãy núi cao Chu Lư Sơn phía Đông và Khoang Lư Sơn phía Tây (trên tọa độ địa lý 22o25’ vĩ Bắc và 101o10’ kinh Đông), thuộc địa bàn xã Sín Thầu. Trong xu thế hội nhập quốc tế và quy luật tất yếu của thế giới về tăng cường giao lưu đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là thương mại biên mậu giữa các quốc gia... thì khu vực mậu dịch tự do A Pa Chải - Long Phú sẽ tạo cầu nối thông thương cho hành lang kinh tế Điện Biên (Việt Nam) - Phổ Nhĩ (Trung Quốc). Ngoài ra, đây là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả 3 quốc gia về chính trị, xã hội, kinh tế, an ninh và quốc phòng.

 Xuân này mời bạn lên vùng cao! Bạn hãy đến với những bản, làng vùng cao nơi tầng tầng sương che mây phủ. Bạn sẽ được thưởng ngoạn một mùa Xuân trong lành, nguyên sơ, chân thực và sống động. Trong âm vang tiếng gọi đại ngàn, bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ tênh cùng sự phiêu diêu, huyền bí và đa dạng của các lễ hội: Plăng khùa (Mông), Pla khơ thu (Si La), Lố khè (Cống), Cấp sắc (Dao)...

 Dịp này, từ các bản làng của đồng bào Hà Nhì, Thái, Mông, Dao... không khí Tết cổ truyền đang rộn rã theo về. Vẫn biết trước mắt cuộc sống của nhân dân vùng cao, biên giới còn không ít khó khăn vất vả, nhưng xin hãy lấy quá khứ mà so với hiện tại và nhìn vào hiện tại để vững tin về tương lai. Dẫu cho thiên nhiên có thế này thế khác, dẫu cho cuộc sống có lúc nọ lúc kia, nhưng tấm lòng người Mường Nhé vẫn khăng khăng hướng về Đảng và Chính phủ, như một chương tổng phổ nét luyến láy ngân nga khắp chín bản mười mường. Những khó khăn của một huyện miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, đất rộng, người thưa... sẽ dần qua đi dẫu không thể một sớm một chiều. Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn, những cái tên: Chung Chải, Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn... đã và đang vang lên trên miền biên cương thân yêu cực Bắc...

Trương Hữu Thiêm