Thứ bánh in ngũ sắc này nổi tiếng không chỉ vì từng được tiến vua, mà nó còn đi vào đời sống, tâm thức của những người con xứ Huế, nhất là những đứa trẻ nhỏ mê mẩn những màu sắc lung linh của vỏ bánh in.

leftcenterrightdel
 Dưới bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh, những chiếc bánh xinh xắn được thành hình.

Trong thế giới ẩm thực xứ Huế, có biết bao món ngon được du khách kể vanh vách như một phần làm nên mảnh đất cố đô. Trong số đó, chè và các loại bánh Huế được liệt kê vào hàng đầu. Đi sâu vào tìm hiểu món chè và bánh Huế, du khách cũng đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác bởi cũng là chè, là bánh mà sao Huế có rất nhiều loại như vậy.

Với những đứa trẻ ở Huế ngày trước, khi đời sống còn chưa như bây giờ, cứ đến ngày Tết hay dịp lễ, giỗ... bánh in nhiều màu là món bánh được yêu thích nhất. Bánh in dạng hạt sen càng được những đứa trẻ ngày ấy trân quý.

Thời gian dần trôi, ngày nay, ở Huế vẫn còn nơi lưu giữ được nghề truyền thống làm bánh in ngũ sắc. Dịp cận Tết là lúc nghề làm bánh ngũ sắc ở Kim Long tất bật vào mùa. Vùng đất Kim Long không chỉ nổi tiếng với con gái đẹp trong câu ca dân gian lưu truyền “Kim Long có gái mỹ miều/Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”. Nơi đây còn nổi danh khi có những món ăn truyền thống như mứt gừng, bánh su sê…và độc đáo vẫn là thứ bánh đặc trưng - bánh ngũ sắc hay còn gọi là bánh “cộ”. Loại bánh có 5 màu này để dâng cúng trên bàn thờ ông bà, tổ tiên.

leftcenterrightdel
 Bánh in ngũ sắc không thể thiếu trong ngày Tết của nhiều người dân xứ Huế.

Những ngày tháng Chạp, ghé thăm vùng đất Kim Long của Huế, nhiều người thích thú bởi mùi thơm của đậu xanh thoang thoảng khắp nơi. Tại cơ sở sản xuất bánh in của bà Mai Thị Hậu ở Tổ 8, xung quanh có nhiều bánh in vừa mới ra lò, mọi người hối hả làm việc. Mỗi người mỗi công đoạn khác nhau, người nhào bột, người in bánh... tạo ra chiếc bánh in đủ màu cứ như một dây chuyền thu nhỏ.

Có thâm niên làm bánh ngũ sắc hơn 21 năm, bà Hậu chia sẻ: “Làm bánh in ngũ sắc là nghề truyền thống của phường Kim Long. Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng tạo thêm việc làm cho người dân”.

Từ tháng 8 Âm lịch, họ bắt đầu công việc sản xuất ra những chiếc bánh in thơm ngon. Tất bật, bận rộn hơn cả là khoảng thời gian tháng Chạp do nhu cầu dùng bánh ngũ sắc rất lớn. Bánh để cúng tất niên, cúng giao thừa, chưng trên bàn thờ ngày Tết... Dịp này, các gia đình làm bánh ngũ sắc thức dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu đến 7 giờ tối mới hoàn thành công việc.

leftcenterrightdel
 Trải qua nhiều công đoạn mới có được chiếc bánh hoàn thiện.

Bước vào không gian tràn ngập bánh in của bà Hậu, nghe âm thanh rộn rã của tiếng chày, của máy giã bột và mùi thơm phưng phức của bột đậu xanh. Với bàn tay nhanh thoăn thoắt, những người thợ làm bánh làm ra từng chiếc bánh đậu xanh đầy đặn. Một chiếc bánh ngon phải có độ thơm, giòn tan và để lâu không hư. Bà Hậu cho biết: “Một ngày, lò bánh của gia đình làm ra khoảng 5 nghìn chiếc. Có nhiều cách trình bày bánh, có thể gói bánh đóng 50 chiếc, tháp 12 tầng, tháp 5 tầng, bánh hạt sen…”.

Để chiếc bánh in ra đời phải trải qua nhiều công đoạn vất vả như chọn đậu xanh, rang đậu, đánh bột, nhào bột, in bánh, sấy, gói bánh hoặc xếp thành tháp bánh… Bánh được gói bằng giấy bóng 5 màu (vàng, cam, đỏ, hồng, xanh) nên được gọi là bánh in ngũ sắc. Theo người dân, những năm trước, các hộ dân làm bánh phải giã đậu xanh bằng tay. Bây giờ, đã có máy móc hỗ trợ việc rang, xay, giã bột nên đỡ cực hơn. Tuy nhiên, công đoạn in, gói bánh vẫn thực hiện bằng tay. Trung bình một hộ làm ra khoảng 5.000 - 6.000 chiếc bánh/ngày.

leftcenterrightdel
 Sau khi bánh được sấy và để nguội, người thợ gói bánh và hoàn thiện những chiếc bánh.

Do nhu cầu đặt bánh tăng cao so với ngày thường nên các cơ sở sản xuất bánh thuê nhân công phụ giúp. Bà Hồ Thị Kim Liên, một hộ gia đình làm bánh ngũ sắc lâu năm cho biết, dịp Tết, mỗi ngày gia đình bà làm đến mấy nghìn chiếc bánh. Lúc cao điểm, bà còn phải thuê thêm vài người trong xóm cùng làm.

Trước đây, phường Kim Long có hàng chục hộ theo nghề này nhưng hiện nay chỉ còn hơn chục hộ gắn bó với nghề truyền thống, bởi công việc vất vả, giá thành sản phẩm thấp. Tuy nhiên, vì muốn giữ nghề truyền thống của ông cha, nhiều hộ dân cố gắng làm ra chiếc bánh vua triều Nguyễn từng thưởng thức. Theo các cụ cao niên trong vùng, bánh in có từ thời các vua triều Nguyễn. Lúc bấy giờ, các bậc vua triều Nguyễn thích dùng loại bánh làm từ bột đậu xanh và đường do chính tay người dân vùng đất Kim Long làm để ăn kèm khi uống trà. 

leftcenterrightdel
 Qua bàn tay của người làm bánh, những hạt đậu xanh đã được nâng tầm thành thứ bánh ngon.

Qua bàn tay của người dân, những hạt đậu xanh đã được nâng tầm thành thứ bánh ngon, mang theo tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên trong các mâm cỗ ngày giỗ, Tết. Chiếc bánh in thơm ngon mùi vị quê hương của người dân vùng Kim Long như lưu giữ nét văn hóa ẩm thực xứ Huế, hòa nhập vào đời sống, mang đến cho cái Tết Huế dư vị truyền thống xưa.

Đắc Đức - Xuân Nha