Hoàng cung xưa đón tết như thế nào?

Trong thời vua Gia Long (1802-1820) thời gian Tết trong Hoàng cung được ấn định từ ngày Từ ngày 25/12 đến 11/1 (âm lịch). Lúc mờ sáng ngày mồng 1 Tết, chiếc cờ rồng khổ lớn và các loại cờ khánh hỉ nhiều màu sắc đã được kéo lên và dựng ở kỳ đài. Khi viên quan ở Khâm Thiên giám báo giờ tốt, vua mặc triều phục ra điện Cần Chánh chuẩn bị. Sau đó trong tiếng nhạc lễ cùng đội nghi trượng, vua ngự ra điện Thái Hoà để làm lễ.

leftcenterrightdel
 Nghi lễ đón tết trong cung Nguyễn. Ảnh: Nhà nghiên cứu Võ Tòng Xuân.

Từ Ngọ môn, chuông được gióng lên để đón chào, vua xuống kiệu và tiến vào điện trong tiếng nhạc mừng do đội Đại nhạc cử. Chín phát đại bác báo hiệu, vua ngự ở ngai vàng và buổi lễ khánh hạ diễn ra với nhiều nghi tiết như các quan làm lễ bái, dâng biểu mừng. Trong những nghi tiết này còn có sự chen lẫn của những tiết mục múa hát cung đình. Buổi lễ kết thúc bằng khúc "Hoà bình chi chương" và âm thanh rộn rã của ban Đại nhạc.

Sau lễ ở điện Thái Hòa, vua lên kiệu về điện Cần Chánh để thực hiện phần tiếp của lễ Nguyên đán. Lúc này hoàng thân quốc thích và quan văn võ từ tứ phẩm trở lên được ban đứng hầu hai bên tả hữu sân điện. Các quan thái giám, quan bộ lễ đưa các hoàng đệ, hoàng tử, công tử nhỏ tuổi đến mừng vua năm lạy. Sau đó, vua truyền chỉ ban yến tiệc và tiền thưởng xuân. Sau các cuộc lễ, nhà vua cùng các đại thần đưa các hoàng tử đến cung Diên Thọ dâng biểu chúc mừng hoàng thái hậu (mẹ của vua).

Trong triều Nguyễn, ngày 30 Tết, cây nêu được dựng lên ở Kinh thành. Khi cây nêu được dựng lên, nghĩa là báo hiệu ngày toàn dân nghỉ việc để ăn Tết. Tết Nguyên đán diễn ra đúng ngày mồng 1 đầu năm. Hôm ấy, quân lính mang khí giới, cờ lọng, voi ngựa trang sức rực rỡ cùng các loại xe nhà vua thường dùng… sắp hàng trước sân điện Thái Hòa ra đến cửa Ngọ Môn. Vua mặc đại triều, từ điện Cần Chánh ra điện Thái Hòa rồi ngự trên ngai vàng để bá quan và hoàng thân quốc thích lạy mừng. Trong lúc vua ngự, lầu Ngọ Môn rung chuông, trống đánh liên hồi, hết sức uy nghiêm.

leftcenterrightdel
 Tái dựng hình ảnh dựng cây nêu tại Kinh thành

Có một lệ xưa trong Tết triều nguyễn là đến ngày đông chí hàng năm, tất cả lửa trong cấm thành đều phải tắt hết. Đến Tết, cung điện Càn Thanh nhóm một lò lửa thật lớn. Đúng vào lúc nửa đêm, các bà phi, tần, mỹ nữ trong chín bậc tại cung lục viện được phép mang lồng ấp đến điện Càn Thanh để vua ban cho ít lửa. Lửa vua ban ngụ ý ban hơi ấm cho mọi người. Ngọn lửa vua ban sẽ được các bà giữ cẩn thận quanh năm.

Huế tái hiện tết xưa trong hoàng cung nhà Nguyễn

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng chuỗi chương trình, sự kiện văn hóa và các hoạt động trải nghiệm đặc sắc để phục vụ cộng đồng và du khách tham quan Khu di sản Huế trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Theo đó, trong 3 ngày Tết Nguyên đán từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 Tết Tân Sửu 2021, các điểm tham quan thuộc hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa miễn phí đón khách tham quan. Đồng thời, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa du lịch tại các điểm tham quan. 

leftcenterrightdel
Hoạt cảnh phục dựng tái hiện Lễ Đổi gác ở khu di sản Hoàng cung Huế 

Trong chuỗi hoạt động này, nhiều nghi lễ, trò chơi cung đình cổ xưa được tái hiện. Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 Tết Tân Sửu 2021, tại Thế Miếu và sân điện Thái Hoà (trong Đại Nội Huế) sẽ diễn ra các buổi trình tấu Đại nhạc và Tiểu nhạc tại các khung giờ từ 10h30 đến 14h30. Ngoài ra, trong ngày mồng 1 Tết tại sân điện Thái Hoà lúc 9h30 sẽ có chương trình múa lân sư rồng; các trò chơi cung đình; trình diễn thư pháp cũng diễn ra tại sân sau điện Thái Hoà lúc 10h00 ngày mồng 1 Tết.

Đặc biệt, từ 15h30 - 16h15 mồng 1 Tết và 9h30 đến 10h15 ngày mồng 2 Tết tại sân điện Thái Hoà cũng diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên "Âm sắc cung đình". Cuối cùng, từ 8h30 đến 10h30 ngày 18/2 (mồng 7 Tết) sẽ diễn ra các Lễ Hạ Nêu, Khai ấn và Cung chúc Tân Xuân tại Triệu Miếu; Thế Miếu và Điện Long An.

Xuân Nha