Trong những ngày Tết, với người Kinh không thể thiếu bánh chưng thì đối với người Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam lại không thể thiếu bánh sừng trâu, những chiếc bánh làm nên phong vị ngày Tết cho đồng bào Cơ Tu.

Đến các buôn làng của người Cơ Tu trong các dịp lễ, Tết, hẳn không ai quên được một món ăn nhìn rất lạ mắt trên mâm cúng tổ tiên, thần linh đó là bánh sừng trâu. Với người Cơ Tu, loại bánh này không chỉ là một món bánh ngon, lạ mà còn là chiếc cầu nối thiêng liêng giữa người dân với thần linh, đất trời trong các dịp lễ, tết. Trong nhà, dù giàu nghèo thế nào, mâm lễ cúng dâng lên Giàng, các vị thần và ông bà, tổ tiên mỗi dịp lễ tết của người Cơ Tu đều phải có bánh sừng trâu.

leftcenterrightdel
Bánh sừng trâu là món ẩm thực không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Lăng A Cúi 
Gọi là bánh sừng trâu vì hình dạng thon nhọn của bánh tựa chiếc sừng trâu, con vật gần gũi với đồng bào Cơ Tu. Bánh sừng trâu được làm từ loại nếp thơm truyền thống proong và được gói trong những chiếc lá rừng. Nét độc đáo của bánh sừng trâu là không có nhân và không ngâm nếp trước khi gói. Bánh sau khi gói xong sẽ được thả vào thau nước lạnh ngâm khoảng hai giờ đồng hồ cho nếp mềm mới mang ra nấu. Bánh sừng trâu khi đã chín có màu sắc đẹp của nếp, tỏa ra mùi hương ngọt ngào của lá rừng trông rất hấp dẫn. Vì không có nhân nên bánh sừng trâu để sau nhiều ngày vẫn giữ được độ dẻo, mùi thơm mà không sợ hỏng.

Người Cơ Tu gọi bánh sừng trâu với nhiều tên gọi khác nhau như Avị cuốt, bánh đót, c'cót... Tuy nhiên, cái tên "bánh sừng trâu" vẫn được đồng bào nơi đây thích nhất bởi nó mang tính dân dã, đơn giản và thiêng liêng. Dân dã, đơn giản vì chỉ nhìn từ ngoài vào, người ta biết được chiếc bánh mang hình dáng của chiếc sừng trâu. Nhưng mang ý nghĩa sâu xa hơn, đó là con trâu có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống của người Cơ Tu. Người Cơ Tu quan niệm, việc sở hữu con trâu là việc quan trọng trong đời người.

leftcenterrightdel
 Bánh sừng trâu là món bánh truyền thống của người Cơ Tu. Ảnh: Lăng A Cúi
  Trước đây, bánh sừng trâu chỉ xuất hiện trong các dịp lễ tết quan trọng của người Cơ Tu như một lễ vật mang tính tâm linh như những ngày Tết, lễ hội như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn mừng được mùa. Nhưng ngày nay, cùng với quá trình giao lưu, trao đổi giữa các vùng miền, đặc biệt là việc phát triển du lịch cộng đồng tại các làng Cơ Tu, bánh sừng trâu đã trở thành sản phẩm quà tặng du lịch độc đáo cho du khách khi đến vùng đất này.

Những ngày cuối năm có dịp về miền tây Quảng Nam qua các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang ngắm nhìn hoa lau nở muộn, thoảng trong cái rét se sắt mùa đông mà ước được ngồi bên bếp lửa gươl làng nhâm nhi từng miếng cá niên khô, thịt bò khô xông khói cùng chiếc bánh sừng trâu để nhớ về một thời nguyên sơ lễ hội cùng tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng.

leftcenterrightdel
 Một cậu bé Cơ Tu hồn nhiên thưởng thức bánh sừng trâu. Ảnh: Lăng A Cúi.

Ngày Tết, đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam thường rủ nhau đi theo từng nhóm đến khắp các bản làng để ăn Tết. Thông thường, trong 3 ngày Tết, đồng bào Cơ Tu vui chơi từ sáng sớm cho đến tận khuya. Ở mỗi cuộc vui, khi rượu xuân đã ấm nồng, đồng bào lại cùng nhau trổ tài nói lý, hát lý truyền thống. Thường thì chủ nhà là người nói trước, hàm ý bày tỏ sự cảm ơn, quý mến đối với khách và mong được sự cảm thông từ những vị khách nếu trong quá trình vui chơi có thiếu sót.

Xuân Nha