Trường đấu Hổ Quyền được xây dựng năm Minh Mạng thứ 11 (1830), ở gần đồi Long Thọ, thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, TP Huế (Thừa Thiên Huế), cách kinh thành Huế khoảng 4 km. Hiện đây là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế.

Theo sử sách từ triều Nguyễn ghi lại, những trận đấu giữa voi và hổ có từ thời chúa Nguyễn Hoàng. Đến khi triều Nguyễn chính thức được thiết lập tại Kinh đô Huế, đấu trường voi và hổ được xem là thú vui giải trí thịnh hành qua nhiều triều đại. Theo đó, vua triều Nguyễn coi việc để voi và hổ đấu nhau không chỉ mang tính giải trí mà còn để khích lệ tinh thần thượng võ, dũng mãnh của các quan quân.

leftcenterrightdel
Trường đấu Hổ Quyền.

Từ đó năm 1830, vua cho xây dựng “trường đấu Hổ Quyền”. Trường đấu được xây dựng với kiến trúc đơn giản nhưng rất chắc chắn với liệu xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt. Bởi vật liệu xây tốt nên đến nay, trải qua gần 200 năm tồn tại đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn. Về mặt kiến trúc, đấu trường Hổ Quyền có nét tựa đấu trường La Mã. Tuy nhiên, nó vẫn mang những nét riêng về văn hóa, kiến trúc truyền Nguyễn. Từ trên cao nhìn xuống, nơi này có hình tròn như lòng chảo, với hai bức tường tròn đồng tâm bề thế bao quanh.

Kiến trúc của trường đấu là một vòng tròn lộ thiên hình vành khăn với hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm. Vòng trong cao 5,90m, vòng ngoài cao 4,75m (kể cả lan can). Cả hai vòng tường cộng với dải đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và 5m ở chân thành. Mặt trên của dải đất cao bằng vòng tường ngoài, tạo thành con đường chạy vòng tròn (chỉ gián đoạn ở khán đài vua ngồi). Đường kính lòng chảo là 44m, chu vi tường ngoài 140m.

leftcenterrightdel
Trường đấu vẫn còn khá nguyên vẹn.

Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, đại thần. Hai bên có hai hệ thống tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính.

Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng cọp và hệ thống các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Ngoài ra, có một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu, rộng 1,90m, cao gần 4m, có hai cánh lớn, bản lề bằng đá.

Theo sử sách ghi lại, các trận đấu giữa hổ và voi đã được tổ chức trước khi trường đấu Hổ Quyền được xây dựng. Theo đó, từ những năm 1750 các trận đấu giữa voi và hổ đã được tổ chức tại địa điểm cồn Dã Viên bên bờ sông Hương. Đến năm 1829, thời vua Minh Mạng, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi) vua ngự thuyền rồng xem một trận thư hùng giữa voi và hổ ở bên bờ bắc sông Hương.

leftcenterrightdel
 5 chuồng cọp trong trường đấu.

Trong khi giao đấu, hổ bất ngờ bứt được dây trói, nhảy xuống sông, lao về phía thuyền rồng. Quan quân vệ binh hốt hoảng, mặt cắt không còn hột máu. Vua Minh Mạng lúc đó không có vũ khí trong tay, liền vớ vội cây sào chống trả và đẩy lùi con thú dữ. Sau trận đấu hổ thất kinh đó, nhà vua mới xuống chiếu xây dựng Hổ Quyền vào năm sau (1830).

Khi xây xong trường đấu Hổ Quyền, vua Minh Mạng sai cả cấm binh (những binh lính chuyên ở trong cung để bảo vệ vua) đến trông coi trường đấu này. Sau khi trường đấu này đã được xây dựng, thông thường các trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức hàng năm. Đến năm 1904 dưới thời vua Thành Thái, trận đấu voi và hổ cuối cùng được tổ chức tại trường đấu Hổ Quyền.

Đến sau này, mặc dù không còn được sử dụng cho các trận đấu giữa voi và hổ nhưng trường đấu hổ quyền vẫn thu hút được du khách bởi sự độc đáo của nó. Thậm chí năm 2009, một nhóm chuyên gia của Trường Công nghệ văn hóa sau đại học thuộc Viện khoa học công nghệ kỹ thuật cao Hàn Quốc - KAIST đã thực hiện dự án phục dựng Di tích Hổ Quyền bằng công nghệ kỹ thuật số 3D.

leftcenterrightdel
 Đấu trường thu hút sự quan tâm của nhiều du khách nước ngoài. Ảnh:  Thế Trung - Đức Hoàng

Nhóm đã thực hiện một bộ phim mô hình 3D tái hiện lại toàn cảnh kiến trúc Hổ Quyền, cách xây dựng trường đấu hổ và cảnh vua, triều thần, các thị vệ đi xem trận đấu bằng diễn viên đóng. Đặc biệt, bằng bằng kỹ xảo điện ảnh như đồ họa vi tính, bộ phim đã tái hiện về cảnh quyết đấu giữa voi và hổ sống động, được xem là một hình thức bảo tồn, trùng tu di tích hiện đại nhất giúp cho người xem như được trở về ngày xưa.

Trường đấu Hổ Quyền đã được công nhận di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT, ngày 26/9/1998. Có thể nói đến nay, ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại không đâu tìm được một đấu trường quy mô như trường đấu Hổ Quyền ở Huế.

Xuân Nha