Sâu tre (hay còn gọi sâu măng) là loài côn trùng ký sinh trong thân cây tre, thường xuất hiện ở một số tỉnh vùng núi Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hay huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Sinh vật này có kích thước nhỏ, dài gần hai đốt ngón tay, màu trắng muốt. Tuy vẻ ngoài không bắt mắt, khiến nhiều người e sợ nhưng sâu tre lại là nguyên liệu làm nên nhiều món khoái khẩu "được lòng" giới sành ăn.

Sâu tre thường sống trong thân cây tre (hoặc nứa) non. Khoảng từ tháng 9 - tháng 11 âm lịch là thời điểm sâu sinh sôi nảy nở, phát triển nhiều và béo ngậy nhất. Thời gian này, người dân địa phương thường vào rừng "săn" sâu.

leftcenterrightdel
 Sâu tre khá giống sâu chít. Nhưng sâu chít thường để ngâm rượu còn sâu tre là nguyên liệu chế biến món ăn. Ảnh: Xuân Chinh.

Để bắt đúng tổ sâu, người đi "săn" phải nắm được một số mẹo. Theo những người có kinh nghiệm, không phải cây tre nào cũng có sâu. Những cây cong queo, đốt co rúm, ngắn khác thường, gần các đoạn mắt thân ống có nước chảy ra và ngọn cây héo thì nhiều khả năng mới có sâu.

Người dân sẽ dùng dao chặt ngang ống tre hoặc đẽo một hốc nhỏ để kiểm tra. Nếu thấy có sâu mới bắt đầu làm rộng hốc và dùng tay bắt. Không chỉ thu hoạch được nguyên liệu quý, cách làm này còn hạn chế tình trạng sâu đục thân tre khiến măng không phát triển được, tránh để sâu lây lan sang cây khác.

leftcenterrightdel
 Mỗi thân cây có thể chứa cả nửa kg sâu tre, người dân "bội thu" nếu bắt đúng tổ. Ảnh: Bình Tóc Xoăn.

Anh Hải Trung (Sơn La) đã 3 năm buôn bán đặc sản vùng Tây Bắc cho biết mỗi năm chỉ có một mùa sâu tre nên khách muốn mua phải "đặt gạch" trước.

"Quá trình bắt sâu khá kỳ công lại không phải lúc nào cũng có nên giá cao. Mỗi mùa, tôi chỉ gom được khoảng 50kg từ các hộ dân chuyên săn sâu quanh địa phương. Nhiều khi lượng người mua lớn mà không đủ để bán ra. Tôi chủ yếu giao hàng cho khách ở Hà Nội, cũng có lần khách tận miền Nam liên hệ tới tôi để được mua sâu", anh nói.

Tiểu thương này tiết lộ, mỗi kg sâu tre có giá từ 500.000 - 600.000 đồng, tùy thời điểm và chất lượng. Sâu phải bán ngay lúc còn sống mới giữ được độ tươi ngon, không hao hụt.

Trên một vài diễn đàn chợ mạng, sâu tre được rao bán tới 700.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chủ yếu là hàng cấp đông hoặc hút chân không vì sâu tươi khó bảo quản.

leftcenterrightdel
 Dù vẻ ngoài thiếu hấp dẫn nhưng sâu sống trong thân cây tre rất sạch nên trở thành đặc sản quý được nhiều người tìm mua. Trong hình là món sâu chiên. Ảnh: Khúc Minh Hằng.

Theo chị Lê An - một đầu mối bán sâu tre ở Hà Nội, loài sinh vật này được khai thác hoàn toàn tự nhiên tại các rừng tre nên rất sạch, đảm bảo chất lượng. Bởi vậy, dù giá thành đắt đỏ nhưng sâu tre vẫn được nhiều người tìm mua.

"Món ăn từ sâu tre khá lạ miệng lại dễ làm và ngon nên nhiều người khoái lắm, nhất là dân nhậu. Một kg sâu bỏ ra chế biến được rất nhiều, thoải mái ăn. Năm nào đến mùa sâu, tôi cũng bán được cả tạ. Cứ hàng về là hết veo. Thời điểm trái vụ cũng có sâu nhưng không được béo, khách thèm vẫn sẵn sàng trả giá cao nhờ tôi mua cho bằng được", chị chia sẻ.

Sâu tre có thể chế biến thành nhiều món như sâu tre xào măng, nộm hoa chuối, sâu tre chiên giòn,... nhưng ngon và hấp dẫn nhất vẫn là sâu tre rang lá chanh.

 
leftcenterrightdel
 Sâu rang lá chanh là món khoái khẩu của dân nhậu. Ảnh: Tươi Phạm.

Sâu được sơ chế đơn giản, rửa qua nước sạch rồi để ráo. Có thể ngâm sâu vào nước muối pha loãng hay nước vôi trong để loại sạch chất bẩn bên trong. Sau đó đem sâu rang trong chảo nóng, đảo cho chín đều rồi nếm gia vị vừa ăn. Cuối cùng là rắc lá chanh thái nhỏ. Vị bùi, béo ngậy của sâu cùng mùi thơm của lá chanh hòa quyện vào nhau, tạo nên món ăn làm "nức lòng" thực khách.

Tuy nhiên, sâu tre khá béo, ngậy nên nhiều nơi thường dùng kèm nước chấm đặc trưng là nước măng chua. Sau chế biến, sâu tre khá giống món nhộng ong nhưng lại có hương vị rất riêng, thực khách ăn một lần nhớ mãi.


Theo Dân trí