Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp trên nhiều hãng tin lớn ở Mỹ và Israel, Reuters đưa tin.

leftcenterrightdel
Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu bên văn kiện có bút kí của ông Trump. Ảnh: Reuters 

Reuters cho biết, ông Trump công nhận Cao nguyên Golan của Israel trong chuyến thăm ngắn ngày đến Washington của Thủ tướng Israel, trong động thái có thể xem như để phần nào giúp sức cho chiến dịch vận động tranh cử của Thủ tướng Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử ngày 9/4.

"Việc này đáng lẽ phải diễn ra từ nhiều thập niên trước", Tổng thống Trump nói với báo giới. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu nói rằng: "Chúng tôi có những người bạn ở Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, nhưng chưa bao giờ có người bạn nào tốt hơn ngài... Đây là giờ phút lịch sử".

Tuy nhiên, bước đi này của ông Trump đã đảo ngược chính sách của Mỹ lâu nay rằng bất kỳ sự thừa nhận chủ quyền nào cũng phải là kết quả của đàm phán trực tiếp chứ không phải tuyên bố đơn phương, đồng thời làm mất uy tín của Mỹ như một nhà hoà giải quốc tế.

Trong các tuyên bố 2 ngày qua, các nước Hồi giáo Arab và thậm chí là từ các đồng minh của nước này phản ứng với Mỹ còn gay gắt hơn cả quyết định trước đây của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv đến khu vực tranh chấp Jerusalem.

leftcenterrightdel
Vùng Cao nguyên Golan. 

Ngày 25/3, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric khẳng định chính sách của tổ chức này về Cao nguyên Golan không thay đổi. "Về quan điểm của Tổng thư ký, (chúng tôi) khẳng định rõ ràng quy chế đối với Golan chưa hề thay đổi", ông Dujarric nhấn mạnh.

Trong khi đó, thông tấn Syria SANA dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Syria coi hành động của ông Trump là một "sự tấn công rõ ràng" vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. "Ông Trump không có quyền hạ nào để hợp thức hoá sự chiếm đóng (của Israel trên Cao nguyên Golan)", thông báo của Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ, đồng thời cảnh báo về nguy cơ bùng phát "một làn sóng căng thẳng mới" ở Trung Đông sau sự dịch chuyển chính sách của Mỹ.

Trong thông điệp đăng tải trên hãng thông tấn nhà nước NNA, Bộ Ngoại giao Liban cũng bày tỏ quan điểm coi việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là "sự vi phạm tất cả các nguyên tắc của luật pháp quốc tế".

"Cao nguyên Golan là cùng lãnh thổ của người Arab Syria, không một quyết định nào có thể thay đổi được điều này, và cũng không nước nào có thể quay lại lịch sử bằng cách chuyển giao quyền sở hữu của một vùng lãnh thổ từ nước này sang nước khác", thông báo của Bộ Ngoại giao Liban khẳng định.

Quan điểm của Liban được chia sẻ bởi gần như toàn bộ các quốc gia Arab như Arab Saudi, Jordan... Trong thông cáo phát đi hôm 26-3, Arab Saudi thậm chí nhấn mạnh động thái trên của Mỹ "sẽ có những tác động tiêu cực đáng kể đối với tiến trình hòa bình ở Trung Đông cũng như an ninh và ổn định trong khu vực".

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định nước này sẽ "làm bất cứ điều gì cần thiết cho đến cùng," cũng như phối hợp với cộng đồng quốc tế chống lại "những quyết định một chiều" và coi thường luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, Canada, đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ, cũng ra tuyên bố nói rằng nước này không công nhận sự kiểm soát lâu dài của Israel đối với Cao nguyên Golan."Luật pháp quốc tế cấm dùng vũ lực để sáp nhập lãnh thổ bởi điều đó đi ngược lại nền tảng của trật tự quốc tế", tuyên bố của Bộ Các vấn đề quốc tế của Canada nhấn mạnh.

Thái An