Tên lửa thế hệ mới H3 của Nhật Bản cất cánh từ sân bay vũ trụ Tanegashima, tỉnh Kagoshima, tây nam Nhật Bản lúc 10h30’ sáng ngày 7/3, giờ địa phương, trong chuyến bay đầu tiên.

Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 17 phút sau khi phóng, tên lửa sẽ đưa 1 vệ tinh quan sát trái đất Daichi-3 vào quỹ đạo ở độ cao khoảng 675 km.

Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết, khoảng 8 phút sau khi cất cánh, có thông báo rằng, không xác nhận được động cơ tầng 2 đánh lửa.

Đến 10h52’, có thông báo tên lửa đã được lệnh tự hủy. JAXA tuyên bố đang tiến hành điều tra nguyên nhân.

“Lệnh tự hủy đã được gửi tới tên lửa H3 vào khoảng 10h52’ sáng, vì không có khả năng đạt được nhiệm vụ. Chúng tôi đang xác nhận tình hình.”, thông cáo của JAXA viết.

H3 là thế hệ tên lửa kế tiếp của H2A. Đây là tên lửa chủ lực mới và là tên lửa lớn nhất của Nhật Bản, có chiều cao lên tới 63 m.

Sau khoảng 30 năm, đây là lần đầu tiên Nhật Bản mới chế tạo tên lửa “khủng” như vậy.

leftcenterrightdel
 Tên lửa H3 của Nhật Bản cất cánh tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima trên đảo Tanegashima, tỉnh Kagoshima, ngày 7/3. Kyodo/Reuters.

Tên lửa thế hệ mới H3 được nói tăng khả năng mang tải trọng lên 1,3 lần so với H2A, đồng thời giúp cắt giảm một nửa chi phi phóng.

Kể từ khi khởi động dự án 9 năm trước, JAXA và đối tác đồng chế tạo là tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy Industries đã đầu tư hơn 1,5 tỉ USD để chế tạo tên lửa H3.

Kế hoạch ban đầu H3 được phóng vào năm tài chính 2020, tuy nhiên lịch trình này đã được điều chỉnh, một phần do những khó khăn trong việc chế tạo mới động cơ chính.

Ban đầu vụ phóng được lên kế hoạch vào ngày 13/2, nhưng đã bị hoãn lại đến ngày 15/2 do phát hiện một số trục trặc trong hệ thống điều khiển chuyến bay, hệ thống có chức năng thay đổi tư thế của tên lửa tùy theo sức gió.

Việc phóng tên lửa vào ngày 15/2 cũng không triển khai được do điều kiện thời tiết, và được hoãn lại đến ngày 17/2.

Tuy nhiên mốc này cũng không thực hiện được, do việc phóng tên lửa H3 bị dừng lại sau khi các thiết bị đẩy dùng nhiên liệu rắn không hoạt động do lỗi linh kiện điện tử, vụ phóng bị hoãn lại lần nữa.

Văn Phong/NHK, Sputnik