Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng của một chính phủ hòa nhập và bao trùm ở Afghanistan, tuyên bố đó là yêu cầu tiên quyết để đạt được một thỏa thuận liên quan đến hoạt động của sân bay Kabul.

"Chính phủ ở Afghanistan không bao trùm, không bao gồm tất cả các phe phái khác nhau. Vì vậy, điều đó sẽ là vấn đề mà chúng tôi sẽ không có mặt ở Afghanistan.”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mỹ CBS News.

"Chúng tôi mong muốn phụ nữ tham gia vào mọi khía cạnh của cuộc sống ở Afghanistan một cách tích cực. Và bất cứ khi nào điều đó chuyển biến tích cực hơn, chúng tôi có thể hỗ trợ họ.", ông Erdogan lưu ý.

Tổng thống Erdogan cũng lưu ý, Afghanistan không an toàn hơn so với giai đoạn có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này, thậm chí máu đổ nhiều hơn.

leftcenterrightdel
Việc vận hành sân bay quốc tế ở Kabul, Afghanistan hiện thời là tối quan trọng, để nước này có thể tiếp cận các nguồn trợ giúp nhân đạo từ cộng đồng quốc tế sau chiến tranh; mặt khác, để đất nước duy trì kết nối với thế giới. Ảnh: AP.

Thổ Nhĩ Kỳ đã vận hành sân bay quốc tế ở Kabul trong 6 năm, trước khi Mỹ rút quân và sau đó là sự trở lại nắm quyền của Taliban

Hôm 26/9, Taliban kêu gọi các hãng hàng không quốc tế nối lại các chuyến bay đến Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, lưu ý, tất cả các vấn đề kỹ thuật tại sân bay này đã được giải quyết. 

Các cơ sở vật chất tại sân bay ở Kabul bị hư hại nặng nề trong cuộc di tản hỗn loạn của hơn 120.000 người kết thúc vào ngày 30/8, cùng với sự rút lui của những binh sĩ Mỹ cuối cùng.

Sau khi kiểm soát thủ đô Kabul và trở lại nắm quyền ở Afghanistan vào ngày 15/8, Taliban đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar giúp điều hành sân bay ở thủ đô Kabul, tuy nhiên lưu ý, sự hỗ trợ chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật. Taliban sẽ đảm trách khâu an ninh, điều khiến Ankara không cảm thấy bất an.

leftcenterrightdel
Theo quy định mới của Taliban, nữ sinh các trường đại học phải mặc áo choàng abaya và mang khăn trùm đầu niqab che toàn bộ cơ thể, chỉ hở đôi mắt. Ảnh: AFP/Sajjad  Hussain.

Các cuộc đàm phán giữa các bên đã được tiến hành hơn một tháng qua, tuy nhiên vẫn chưa có một thỏa thuận về vận hành sân bay Kabul.

Trong cuộc họp báo đầu tiên được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia ngày 17/8, đại diện Taliban đã nhiều lần nhấn mạnh cam kết sẽ “cởi mở” hơn trong vấn đề quyền phụ nữ.

Ngày 7/9, Taliban công bố nội các mới của mình ở Afghanistan với thành phần toàn nam giới.

Tiếp đến Taliban quyết định thay thế Bộ các vấn đề phụ nữ thành Bộ cầu nguyện, hướng dẫn, khuyến khích đức hạnh và phòng ngừa thói xấu. Việc thay đổi bảng tên tại trụ sở được thực hiện ngày 17/9, sau khi các nhân viên nữ của Bộ phụ nữ bị chặn khi tới cơ quan.

leftcenterrightdel
Nam, nữ phải được tổ chức các lớp học riêng theo giới, hay chí ít là có rèm ngăn cách. Ảnh: Reuters. 

Ngày 21/9, Taliban công bố thêm các thành viên bổ sung trong nội các, hầu hết cho các vị trí Thứ trưởng, trong đó tuyệt nhiên không có sự hiện diện của phụ nữ, bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế và các cuộc biểu tình của giới nữ trên khắp đất nước.

Trước đó, trong một sắc lệnh về giáo dục được ban hành trước dịp khai giảng 6/9 của hệ thống trường đại học tư thục, Taliban tái áp đặt quy định nam, nữ phải được tổ chức thành các lợp học riêng theo giới tính, bằng không phải có tấm rèm ngăn cách nam nữ trong phòng học, cũng như phải có lối đi riêng để hai giới không “đụng” nhau. Học sinh nữ chỉ được dạy bởi những giáo viên nữ, trường hợp không được thì có thể thay thế bởi những giáo viên nam lớn tuổi và phải có nhân cách.

Mặt khác, nữ sinh phải mặc áo choàng abaya và mang khăn trùm đầu niqab che toàn bộ cơ thể, chỉ hở đôi mắt. Taliban giải thích đó là quy tắc quốc gia theo luật Hồi giáo.

Huy Anh (Theo DS, Reuters,..)