Ngày 7/9, Taliban đã công bố một chính phủ lâm thời toàn nam giới và được cho chỉ bao gồm những thành viên của lực lượng này. Đáng lưu ý, Mullah Mohammad Hasan Akhund, cựu Bộ trưởng và cựu Phó Thủ tướng trong thời kì Taliban cai trị bị đánh giá là tàn bạo và áp bức trong những năm 1990, hiện nằm trong danh sách trừng phạt của Liên hợp quốc liên quan đến việc che chở cho các nhóm khủng bố, được bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời.
Trong khi Sirajuddin Haqqani, một trong những người sáng lập mạng lưới Haqqani, bị Washington xếp vào nhóm "khủng bố", được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Nội vụ. Haqqani là một trong những người bị FBI truy nã gắt gao nhất do dính líu đến các vụ đánh bom liều chết và có quan hệ với al-Qaeda.
|
|
Ông Mullah Mohammad Hasan Akhund được Taliban bổ nhiệm là Thủ tướng Chính phủ mới của AFghanistan. Ảnh: AFP. |
Mỹ cho biết họ lo ngại về nhân thân của một số người được Taliban chỉ định vào các vị trí chủ chốt trong chính phủ mới của Afghanistan.
“Chúng tôi lưu ý rằng danh sách nội các được công bố chỉ bao gồm các cá nhân là thành viên của Taliban hoặc các cộng sự thân cận của họ và không có phụ nữ.”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhấn mạnh, Mỹ cũng lo ngại về nhân thân của một số cá nhân, dù đó là nội các lâm thời; lưu ý, Mỹ đánh giá Taliban qua hành động chứ không phải lời nói .
Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Seth G. Jones, đã chỉ trích việc Taliban bổ nhiệm một “kẻ khủng bố” (bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI truy nã), vài ngày trước lễ kỉ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/9, chẳng khác gì một cái tát vào Mỹ và các đồng minh phương Tây.
|
|
Tân Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani trong chính quyền của Taliban ở Afghanistan. Ảnh: FBI/Reuters. |
Theo dữ liệu được FBI công bố, Haqqani bị truy nã "để thẩm vấn liên quan đến vụ tấn công vào một khách sạn ở Kabul, Afghanistan hồi tháng 1/2008 khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có một công dân Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinkin bày tỏ: “Taliban cho biết họ đang tìm kiếm tính hợp pháp quốc tế và sự ủng hộ toàn cầu. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào những gì họ làm, không chỉ những gì họ nói. "Triển vọng của mối quan hệ của Taliban với chúng tôi và các khu vực khác trên thế giới bắt đầu từ hành động của họ".
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 8/9, EU phàn nàn, những gì mà Taliban cho thấy trên thực tế không giống như những cam kết lực lượng này đã đưa ra, trái với kì vọng về một chính phủ toàn diện và hòa nhập.
|
|
Một lớp học đại học ở Kabul, Afghanistan được ngăn cách giới tính nam, nữ bằng rèm theo qui định của Taliban. Ảnh: Reuters. |
Trước thông tin về nội các mới của Taliban, phát ngôn viên của Liên hiệp quốc Farhan Haq, lưu ý, chỉ có giải pháp đàm phán và hòa nhập mới mang lại hòa bình bền vững cho Afghanistan.
Người đứng đầu cơ quan phụ nữ của Liên hợp quốc, Pramila Patten, cho biết, việc Taliban loại phụ nữ trong thành phần chính phủ mới ở Afghanistan đặt ra nghi vấn về cam kết của Taliban “bảo vệ và tôn trọng quyền” của phụ nữ và trẻ em gái.
Bà Patten gọi sự tham gia chính trị của phụ nữ là “điều kiện tiên quyết cơ bản cho bình đẳng giới và dân chủ thực sự”; nhấn mạnh, “bằng cách loại phụ nữ khỏi guồng máy chính phủ, giới lãnh đạo Taliban đã gửi tín hiệu tiêu cực về mục tiêu đã nêu của họ là xây dựng một xã hội hòa nhập, hùng cường và thịnh vượng”.
|
|
Phụ nữ Afghanistan xuống đường đòi quyền bình đẳng và đòi có chân trong các cơ quan chính phủ. Ảnh: AP/Wali Sabawoon. |
Marzia Kazimi, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Afghanistan, nói: “Phụ nữ phải là một phần trong chính phủ mới”.
Một số đảng chính trị lớn của Afghanistan hôm 8/9 đã phản ứng với chính phủ lâm thời mới của Taliban được công bố vào cuối ngày 7/9, nói rằng, nội các không toàn diện và các đảng chính trị đã bị cho.. ra rìa.
Đảng Jamiat-e-Islami, đảng chính trị Hồi giáo lâu đời nhất ở Afghanistan do Salahuddin Rabbani lãnh đạo, trong một tuyên bố cho biết, nội các Taliban đưa ra là mất cân đối. Tuyên bố cho biết "thông báo thành phần nội các cho thấy Taliban độc đoán và cực đoan trong chính trị và quyền lực".
|
|
Taliban "nói chuyện" với các cuộc biểu tình của phụ nữ bằng súng ống. Ảnh: Reuters. |
Thành viên Jamiat-e-Islami, Atta Mohammad Noor, cựu Thống đốc của tỉnh Balkh chỉ trích nội các mới. “Taliban đã đi ngược các nguyên tắc và luật lệ. Đây là dấu hiệu của bá quyền, độc đoán và ‘ngựa quen đường cũ’. Theo chúng tôi, chính phủ này chắc chắn sẽ thất bại.", ông Noor tuyên bố.
Nhiều cư dân Kabul cũng phản ứng bất bình trước công bố thành phần nội các của Taliban. "Họ chỉ định thành phần của chính họ, không phải của người dân. 'Hòa nhập' có nghĩa là tất cả các sắc tộc sống ở Afghanistan đều tham gia vào chính phủ.", Abdul Rashid, một cư dân Kabul, bày tỏ.
|
|
Hội đồng Shia Ulema ở Afghanistan họp bày tỏ thái độ về thành phần nội các của Taliban. Ảnh: Tolonews. |
Hội đồng Shia Ulema, các tổ chức đại diện của người Hồi giáo dòng Shia ở Afghanistan, đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 7/9, kêu gọi một chính phủ hòa nhập, trong đó người Hồi giáo Shia ở Afghanistan sẽ có đại diện và quyền của tất cả các nhóm thiểu số sẽ được tôn trọng.
Ayatullah Salehi Mudaras, một thành viên của Shia Ulema, cho biết: “Các yêu cầu của chúng tôi nên được xem xét một cách nghiêm túc. Hồi giáo dòng Shia cần được công nhận”.
Mohammad Akbari, một thành viên của Shia Ulema, nói: “Không nên tước bỏ các quyền chính trị của các giáo phái. Chúng tôi muốn có cơ hội bình đẳng, không bị phân biệt đối xử”.
Những người tham gia kêu gọi đối xử bình đẳng giữa các sắc tộc ở Afghanistan.