Lô máy bay phản lực F-16 đầu tiên từ các quốc gia thành viên NATO, được Ukraine mong đợi, đã đến Kyiv vào 31/7, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis và các nguồn tin Mỹ cho biết.

Máy bay F-16 do Lockheed Martin, Mỹ chế tạo, là một trong những khí tài mà Ukraine mong muốn bởi sức mạnh hủy diệt và tính khả dụng trên toàn cầu. Máy bay chiến đấu được trang bị pháo 20mm, được ví như “ngựa thồ” bởi có thể mang khối lượng lớn bom, rốc két và tên lửa.

Ukraine kì vọng F-16 sẽ giúp củng cố lực lượng không quân đang yếu thế của nước này trước lực lượng không quân Nga hùng hậu.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, việc giao hàng đã hoàn tất.

Trước đó, ngày 1/7, Chính phủ Hà Lan cho biết, nước này sẽ sớm cung cấp cho Ukraine những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên trong số 24 chiếc đã cam kết.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh được cho F-16 xuất hiện trên bầu trời Ukraine/ @UA_news_feed.

Không quân Ukraine chưa phản hồi lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Đan Mạch đã cam kết chuyển giao cho Ukraine tổng cộng 19 chiếc F-16, trong khi Hà Lan cũng cam kết sẽ cung cấp 24 chiếc. Cả hai quốc gia đều là động lực thúc đẩy liên minh quốc tế cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine.

Na Uy cũng đã tuyên bố sẽ gửi 6 chiếc F-16 cho Ukraine.

Để chuẩn bị cho việc khai thác, vận hành F-16 khá phức tạp, khí tài mới lạ với Kyiv vốn chủ yếu khai thác các dòng máy bay chiến đấu của Liên Xô cũ, nhiều tháng trước đây, các đối tác phương Tây của Ukraine tiến hành đào tạo cho các phi công và nhân viên mặt đất của Ukraine.

Quân đội Ukraine đã phải dựa vào một phi đội máy bay phản lực khá khiêm tốn và cũ kĩ từ thời Liên Xô để đối phó với các máy bay chiến đấu cùng trang bị đạn dược tiên tiến của Nga từ tháng 2/2022.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan khi đó, Mark Rutte, kiểm tra máy bay chiến đấu F-16 ở Eindhoven, Hà Lan, ngày 20/8/2023. Ảnh: Peter Dejong/AP.

Các quan chức Ukraine bởi vậy coi việc bổ sung F-16 là một nâng cấp quan trọng cho Không quân nước này.

Diễn biến liên quan, hồi đầu tuần, các quan chức Mỹ thông báo, Washington sẽ gửi 1,7 tỉ đô la trong gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm một loạt đạn dược cho hệ thống phòng không, pháo binh, súng cối cùng tên lửa chống tăng, chống hạm.

Với nguồn tài trợ mới nhất, đến nay Mỹ đã gửi hơn 55,4 tỉ đô la viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc chiến tại nước này vào tháng 2/2022.

Đợt cung cấp vũ khí mới nhất diễn ra hơn hai tuần sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington, nơi các đồng minh phương Tây tiếp tục cam kết sự ủng hộ lâu dài cho Ukraine.

Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố, Washington sẽ gửi một khẩu đội tên lửa Patriot tới Ukraine, đáp lại kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Văn Phong/Reuters