Hôm 26/6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen xác nhận, nước này đã khởi động quá trình đào tạo vận hành máy bay chiến đấu F-16 cho phi công Ukraine.

Ông Poulsen cũng tiết lộ Copenhagen đang cân nhắc khả năng chuyển giao cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 của nước này cũng như xem xét số lượng máy bay chuyển giao.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đan Mạch bật mí, việc loại biên hoàn toàn phi đội 30 chiếc F-16 đang hoạt động của Copenhagen, vốn ban đầu được lên kế hoạch cho năm 2027, đã được rút ngắn vào năm 2025.

Chúng sẽ được thay thế bằng 27 chiếc máy bay phản lực tối tân F-35. Quá trình chuyển đổi này sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023.

Kyiv đã kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu để hỗ trợ nước này đối phó với các lực lượng Nga. 

leftcenterrightdel
 Máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất. Nguồn: @TreasChest

Sau những dè dặt ban đầu, Mỹ và các thành viên khác của NATO hiện đã tiến hành việc đào tạo vận hành máy bay F-16 cho phi công Ukraine. Tuy nhiên, chưa có bên nào cam kết cung cấp máy bay chiến đấu cho Kyiv.

Việc huấn luyện và khả năng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine diễn ra sau một cuộc tranh luận nội bộ kéo dài ở Washington về những rủi ro tiềm ẩn khi Ukraine sử dụng máy bay phản lực để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, điều sẽ dẫn đến leo thang xung đột.

F-16, vốn có lịch sử phục vụ hơn 40 năm, vẫn là máy bay cánh cố định phổ biến nhất toàn cầu hiện nay, phục vụ trong quân đội của ít nhất 25 quốc gia với hơn 4.500 chiếc đã được chế tạo, tính đến năm 2016. 

Mỹ giữ quyền kiểm soát quyền tái xuất khẩu sáng bên thứ ba của bất kỳ quốc gia nào sở hữu F-16. Liên quan đến chủ đề này, một số thông tin xuất hiện trên mạng nói, 45 máy bay chiến đấu F-16AM/BM Fighting Falcon của Đan Mạch và Hà Lan sẽ được chuyển giao cho Không quân Ukraine. Công ty SABCA của Bỉ sẽ đại tu và hiện đại hóa số máy bay trước khi chuyển giao.

Văn Phong (theo RT)