Hôm 1/7, Chính phủ Hà Lan sắp mãn nhiệm cho biết, nước này sẽ sớm cung cấp cho Ukraine những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên trong số 24 chiếc đã cam kết.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết, trong một lá thư gửi Quốc hội trước cuộc chuyển giao chính phủ vào ngày 2/7- sau nhiều tháng xây dựng liên minh sau cuộc bầu cử cuối năm ngoái rằng, các giấy phép cần thiết để cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine đã được cấp.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan sắp mãn nhiệm Kajsa Ollongren. Ảnh: Reuters/Johanna Geron.

Bà Ollongren từ chối nêu rõ có bao nhiêu chiếc F-16 trong đợt giao hàng đầu tiên và khi nào chúng sẽ đến Ukraine, vì lý do an ninh.

Hà Lan là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy liên minh quốc tế cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine, nhằm tăng cường năng lực để Kyiv đối phó với các lực lượng Nga.

Chính phủ Hà Lan trước đó đã cung cấp máy bay F-16 cho một cơ sở huấn luyện ở Romania, nơi các phi công và nhân viên mặt đất Ukraine đang được đào tạo cách thức vận hành và bảo dưỡng máy bay trong chiến đấu.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thứ hai từ bên phải và Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte, kiểm tra máy bay chiến đấu F-16 ở Eindhoven, Hà Lan, ngày 20/8/2023. Ảnh: Peter Dejong/AP.

Vào tháng 4, Bộ trưởng Ollongren cho biết bà hy vọng Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ sẽ bắt đầu chuyển giao F-16 trong vòng vài tháng.

Ukraine hy vọng F-16 sẽ tăng cường khả năng cho lực lượng vũ trang nước này đang phải vật lộn để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga dọc chiến tuyến.

Trong khi đó, Nga đang thực hiện các cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân của Ukraine, bao gồm căn cứ Starokostiantyniv ở tỉnh Khmelnytskyi, gần biên giới với EU.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte (bên phải), người sẽ là Tổng thư ký kế tiếp của NATO vào tháng 10 tới, là một trong những lãnh đạo châu Âu nhiệt tình ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ảnh: Peter Dejong/AP.

Moscow nói đã nhắm mục tiêu vào các sân bay mà họ tin là nơi có thể chứa những chiếc F-16, nhất là dự kiến những chiếc máy bay đầu tiên sẽ đến Ukraine trong tháng 7.

Căn cứ không quân Starokostiantyniv đã bị tấn công thường xuyên bằng cả máy bay không người lái và tên lửa siêu thanh kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến diễn ra vào tháng 2/2022. Cuộc tấn công mới nhất diễn ra hôm 27/6.

Người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine cho biết, các cuộc không kích gây ra một số khó khăn nhất định, nhưng sẽ không làm suy yếu việc cung cấp máy bay F-16 hoặc việc sử dụng chúng trong chiến đấu.

leftcenterrightdel
 Lính cứu hỏa dập lửa sau một cuộc tấn công của lực lượng Nga vào căn cứ Starokostiantyniv, tỉnh Khmelnytskyi, Ukraine. Nguồn: Chính quyền vùng Khmelnytskyi/Reuters.

Các nhà phân tích quân sự cho biết Nga có thể nhắm vào cơ sở hạ tầng căn cứ không quân như đường băng và cơ sở lưu giữ để khiến việc triển khai máy bay F-16 trở nên khó khăn hơn.

Nga nhiều lần tuyên bố việc Phương Tây chuyển giao vũ khí, khí tài cho Ukraine sẽ không giúp thay đổi tình thế, chỉ khiến cuộc chiến kéo dài; tuyên bố, những khí tài này sẽ là mục tiêu hợp pháp của Moscow.

Văn Phong (theo Reuters)