Không có bên thắng cuộc khi sử dụng vũ khí hạt nhân
Như một vấn đề ưu tiên hàng đầu, việc sử dụng vũ khí hạt nhân và quan điểm chung Nga, Mỹ về vấn đề này đã được đưa ra ngay trong phần đầu của tuyên bố chung.
“Chúng tôi, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Mỹ và Nga đã làm rõ rằng, ngay cả trong giai đoạn căng thẳng, họ vẫn có thể đạt tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu chung về đảm bảo tính dự đoán được trong lĩnh vực chiến lược, giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.”, văn kiện viết.
Như một ví dụ về cách tiếp cận này, tuyên bố dẫn ra việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) hồi đầu tháng Hai.
|
|
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Biden và Tổng Thống Nga Putin diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/6. Ảnh: MIDRussia. |
“Việc gia hạn Hiệp ước START mới gần đây thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hôm nay, chúng tôi tái khẳng định sự tuân thủ nguyên tắc không thể có bên nào thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được khơi lên cuộc chiến tranh như vậy”, tuyên bố chung viết.
Tuyên bố chung cũng đề ra các đường hướng tiếp theo để hiện thực hóa mục tiêu mà hai nhà lãnh đạo đã đồng thuận. “Nhất quán với những mục tiêu này, Hoa Kỳ và Nga sẽ cùng nhau tham gia đối thoại ổn định chiến lược song phương tích hợp trong tương lai gần, một cách có cân nhắc và mạnh mẽ. Thông qua đối thoại này, chúng tôi tìm cách tạo cơ sở cho các biện pháp kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.”, thông cáo viết.
|
|
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo với tư cách nguyên thủ quốc gia, cũng là cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Nga sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ . Ảnh: Kremlin.ru |
Nói với TASS, chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, Giám đốc Viện nghiên cứu Kennan của Trung tâm Wilson, Mỹ, Matthew Rojansky gọi đây là vấn đề cốt lõi về an ninh quốc gia của hai bên. "Tuyên bố lặp lại những gì Reagan và Gorbachev đã nói khoảng 3 thập kỉ rưỡi trước đó trong cuộc họp riêng của họ ở Geneva, đó là rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ có bên thắng và do đó không bao giờ nên triển khai.", chuyên gia Rojansky nói.
Theo Sputnik, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Geneva, chỉ thông qua một văn kiện là tuyên bố chung.
Đồng thuận về mục tiêu ổn định quan hệ
Trong thời gian sắp tới Nga và Mỹ sẽ khởi động cuộc đối thoại toàn diện, cụ thể và năng động về nội dung ổn định chiến lược. Đây cũng là điểm được nhấn mạnh trong tuyên bố chung Nga- Mỹ.
“Nga và Mỹ trong thời gian tới đến sẽ khởi động cuộc đối thoại song phương toàn diện về ổn định chiến lược, cuộc đối thoại này sẽ cụ thể và năng động. Thông qua cuộc đối thoại như vậy, chúng tôi cố gắng tạo lập cơ sở nền tảng cho khâu kiểm soát vũ khí và các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong tương lai”.
|
|
Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Nga Putin đánh giá, trao đổi giữa hai bên mang tính xây dựng và không có thái độ thù địch. Ảnh: MIDRussia. |
“Tổng thống Biden đặt kì vọng vào hội nghị thượng đỉnh Geneva với mục tiêu hướng tới một mối quan hệ Mỹ- Nga ổn định hơn và có thể dự đoán trước, đồng thời đề phòng các hành vi leo thang có khả năng xảy ra. Bằng các biện pháp này, hội nghị thượng đỉnh là một khởi đầu đầy hứa hẹn.”, chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ Matthew Rojansky nhận định, tuy nhiên lưu ý, đây mới chỉ là khởi đầu.
Đại sứ hai nước quay trở lại
Trong cuộc họp báo riêng ngay sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Nga Putin cho biết, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, họ đã nhất trí việc đại sứ hai nước sẽ trở lại nơi làm việc ở Moscow và Washington.
Nhà lãnh đạo Nga mở ngoặc, các đại sứ “đang xúc tiến trở lại nơi làm nhiệm vụ của họ. Chính xác vào thời điểm nào chỉ là một vấn đề kĩ thuật thuần túy”.
|
|
Mặc dù còn những bất đồng trong một số vấn đề, nhưng ổn định chiến lược trong quan hệ giữa hai nước là mục tiêu quan trọng mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được. Ảnh: Reuters. |
Chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ Rojansky nhấn mạnh, việc đạt được thỏa thuận này quan trọng và có ý nghĩa, làm cơ sở cho việc thực hiện những mục tiêu chiến lược mà hai bên đã đặt ra.
"Hai ông Biden và Putin đồng ý đưa các đại sứ trở lại các đại sứ quán của họ và tham gia đàm phán ngoại giao trong các lĩnh vực quan trọng, bắt đầu bằng đối thoại về ổn định chiến lược. Đây là định đạng phù hợp để giải quyết câu hỏi điều gì sẽ xảy ra sau khi Hiệp ước New START hết hạn vào năm 2026.”, ông Rojansky nói.
Trong các cuộc họp báo riêng rẽ, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã đề cập nhiều chủ đề “nhạy cảm”, bao gồm các vấn đề an ninh mạng, nhà đối lập Nga Alexei Navalny cũng như vấn đề Ukraine.