Le Monde và Le Figaro, hai trong số những tờ báo được hàng đầu nước Pháp hôm 22/6 đã đăng tải thông tin được Cuba công bố một ngày trước đó, nói vắc xin 3 liều Soberana 02 đạt hiệu quả miễn dịch cao, 62% sau khi tiêm liều thứ hai.

Trong bài báo của mình, Le Figaro đã đề cập đến lời tố cáo của các nhà khoa học Cuba về những khó khăn mà họ gặp phải trong công việc do chính sách bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ áp đặt đối với đảo Antilles lớn nhất trong sáu thập kỉ qua.

Bãi báo cũng nhắc lại mục tiêu của Cuba là tiêm chủng cho 70% dân số vào tháng 8 và toàn bộ người dân trước cuối năm nay.

leftcenterrightdel
Vắc xin 3 liều Abdala do Cuba sản xuất. Ảnh: Prensa Latina.

“Do lệnh cấm vận, Cuba bắt đầu phát triển các loại dược phẩm của riêng mình từ những năm 1980. Trong số 13 loại vắc xin được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, có 8 loại được sản xuất trong nước.”, bài báo viết.
Ngoài ra, Radio France International và các tờ Sud-Ouest, Ouest-France và 20 Minutes cũng đã đăng tải thông tin về hiệu quả miễn dịch 92,28% của vắc xin 3 liều Abdala.

Tờ Sud-Ouest đánh giá cao việc kiểm soát dịch COVID-19 ở Cuba khi so sánh nó với tình hình ở Mỹ; đồng thời trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, tố cáo rằng, bất chấp cuộc tấn công của “đại dịch kép”, COVID-19 và sự phong tỏa của Mỹ, các nhà khoa học Cuba từ Finlay và CIGB, đã vượt qua mọi trở ngại, phát triển hai loại vắc xin rất hiệu quả Soberana 02 và Abdala.

leftcenterrightdel
Với hiệu lực cao, vắc xin Soberana 02 cùng với vắc xin Abdala được truyền thông đánh giá là 'niềm hi vọng cho Châu Mỹ Latinh'. Ảnh: JORGE LUIS BANOS / AFP.

Trong khi đó tờ 20 Minutes đánh giá, các vắc xin này là 'niềm hi vọng cho Châu Mỹ Latinh'.

Cùng ngày 22/6, một số phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng đã đăng tải thông tin về hiệu quả vắc xin 3 liều Abdala có hiệu lực 92,28% chống lại COVID-19, sau khi hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng.

Tờ India Today nhấn mạnh hiệu quả vắc xin Soberana 02, do Tập đoàn dược phẩm sinh học nhà nước BioCubaFarma sản xuất, là thành quả nỗ lực của các nhà khoa học từ Viện Finlay và Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba.

India Today lưu ý, Cuba có nền công nghệ sinh học phát triển, đã xuất khẩu vắc xin trong nhiều thập kỉ, đang phát triển 5 vắc xin coronavirus. Chính vì vậy, Cuba không chủ trương nhập khẩu vắc xin nước ngoài mà chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước.

leftcenterrightdel
Cuba đặt mục tiêu hoàn thành tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn dân trước cuối năm nay. Ảnh: FinlayInstituto/Twitter.

Vắc xin của Cuba tạo ra nguồn ngoại hối cần thiết thông qua xuất khẩu, đồng thời góp phần vào chiến dịch tiêm chủng trên khắp thế giới, India Today viết.

Một số quốc gia, từ Argentina, Jamaica đến Mexico, Việt Nam và Venezuela bày tỏ quan tâm đến việc mua vắc xin của Cuba, trong khi Iran đã bắt đầu hợp tác sản xuất Soberana 02 vào đầu năm nay.

Các ấn phẩm khác ở Ấn Độ là Times of India, The Economic Times và United News of India,… cũng đề cập đến hiệu quả đạt được và triển vọng của các vắc xin Cuba đang thử nghiệm chống lại coronavirus SARS-CoV-2.

Huy Anh/Prensa-latina