Ngày 28/7, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố một ngày trước đó của Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cho biết, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) nước này đã tham gia vào các hoạt động giải phóng tỉnh Kursk của Nga và mục tiêu này đã kết thúc thắng lợi, chấm dứt việc chiếm đóng khu vực Kursk của quân đội Ukraine trong gần 9 tháng.

Theo tuyên bố, việc Triều Tiên điều động binh sĩ chiến đấu bên cạnh LLVT Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, là theo thỏa thuận đối tác chiến lược song phương.

“Trên cơ sở phân tích và đánh giá tình hình quân sự - chính trị, đồng chí Kim Jong-un đi đến kết luận rằng, tình hình hiện tại nằm trong Điều 4 Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và  Nga, từ đó đã đưa ra quyết định cử LLVT của chúng ta tham gia chiến sự, đồng thời thông báo việc này với phía Nga.”, tuyên bố nói, cho biết, Bình Nhưỡng coi đây là sứ mệnh thiêng liêng nhằm củng cố vững chắc hơn nữa tình hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa hai nước...

leftcenterrightdel
 Lực lượng vũ trang Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Tuyên bố lưu ý, các hoạt động quân sự của LLVT Triều Tiên được tiến hành trong phạm vi biên giới của Nga, hoàn toàn tuân thủ mọi quy định và tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế khác, cũng như Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước...

Theo KCNA, ông Kim hứa sẽ sớm dựng tượng đài ở thủ đô Bình Nhưỡng để tôn vinh chủ nghĩa anh hùng và lòng quả cảm, cũng như để vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh vì danh dự của tổ quốc, góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai nước.

Ngày 23/10/2024, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) và Nhà Trắng xác nhận, bước đầu khoảng 3.000 binh sĩ Triều Tiên đã được gửi đến miền Đông nước Nga để huấn luyện, với khả năng sẽ triển khai bổ sung để tham chiến ở Ukraine.

Trước đó, ngày 18/10/2024, NIS cho biết, Triều Tiên quyết định sẽ phái cử 12.000 binh sĩ, bao gồm các lực lượng đặc nhiệm thuộc 4 lữ đoàn, tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh do phía Ukraine cung cấp quay cảnh những binh sĩ nói tiếng Triều Tiên đang nhận quân trang tại Nga, được cho là bằng chứng việc Bình Nhưỡng gửi quân tới Nga. Nguồn: SPRAVDI.

NIS nói, từ ngày 8-13/10 đã phát hiện Triều Tiên đưa các lực lượng đặc biệt đến Nga bằng tàu vận tải của Hải quân Nga. Bốn tàu đổ bộ và 3 tàu hộ vệ từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã hoàn thành đưa 1.500 binh sĩ Triều Tiên sang Nga và sắp sửa tiến hành đợt gửi quân thứ hai.

Cả Nga và Triều Tiên đều không bác bỏ hay xác nhận tin trên. Tuy vậy, các quan chức cấp cao Nga lưu ý rằng, các tương hỗ quân sự Nga- Triều Tiên nếu có, đều nằm trong khuôn khổ mối quan hệ được xác lập giữa hai nước.

Ngày 15/10/2024, hãng thông tấn Sputnik dẫn phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko, cho biết, Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên liên quan đến việc đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả hỗ trợ quân sự, trong trường hợp có hành vi xâm lược xảy ra với một trong hai nước.

leftcenterrightdel
 Ngày 11/9/2024, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm một đơn vị hoạt động đặc biệt thuộc lực lượng vũ trang. Ảnh: KCNA.

“Điều 4 Hiệp ước liên quan chính xác đến vấn đề hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xâm lược. Trong trường hợp xảy ra xâm lược đối với một trong các bên, các bên sẽ cung cấp cho nhau mọi hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả hỗ trợ quân sự. Nếu hành động gây hấn chống lại Triều Tiên được thực hiện thì theo luật pháp của Triều Tiên, tất cả các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện.”, ông Rudenko nói.

Ngày 28/4, Sputnik dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, xác nhận, quân nhân Triều Tiên đã tham gia vào chiến dịch giải phóng khu vực biên giới thuộc tỉnh Kursk theo Điều 4 của Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Liên quan đến tình hình chiến sự ở tỉnh Kursk, Sputnik cho biết, ngày 26/4, Tổng tham mưu trưởng LLVT Nga Valery Gerasimov đã báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc hoàn thành chiến dịch giải phóng tỉnh này.

Văn Phong/KCNA, Sputnik