Ngày 24/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, Seoul có thể cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Khả năng này tùy thuộc vào mức độ hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên, ông Yoon lưu ý, nói rằng, Hàn Quốc sẽ không “ngồi yên” trước việc Bình Nhưỡng điều động quân tới Nga.

“Nếu Triều Tiên cử lực lượng đặc nhiệm tới chiến trường Ukraine, chúng tôi sẽ từng bước hỗ trợ Kyiv và xem xét thực hiện các biện pháp cần thiết cho an ninh của Bán đảo Triều Tiên.”, ông Yoon nói trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người đang có chuyến thăm 4 ngày tới Hàn Quốc.

“Chúng tôi đã tuân thủ nguyên tắc không trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương (cho Ukraine), nhưng chúng tôi có thể xem xét lại điều này một cách linh hoạt hơn, tùy thuộc vào các hoạt động quân sự của Triều Tiên.”, ông Yoon lưu ý.

“Hàn Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên trong vấn đề này và sẽ từng bước thực hiện các biện pháp cần thiết phối hợp với cộng đồng quốc tế, tùy thuộc vào sự phát triển của hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga.”, ông Yoon cho biết.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc họp báo chung tại Seoul, ngày 24/10. Ảnh: Yonhap.

Ông Yoon cũng cam kết ủng hộ nỗ lực của Hàn Quốc trong việc kí thỏa thuận bổ sung trị giá khoảng 7 tỉ đô la với Ba Lan, để cung cấp xe tăng K2 cho Warszaw vào cuối năm nay.

Năm 2022, Ba Lan đã kí các thỏa thuận quốc phòng lớn với Hàn Quốc trị giá 12,4 tỉ đô la để mua xe tăng K2, pháo tự hành K9 Thunder, máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 và hệ thống pháo phản lực phóng loạt đa nòng Chunmoo, nhằm tăng cường năng lực quân sự trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.

Sau các thỏa thuận ban đầu, Ba Lan đã kí một hợp đồng trị giá 2,67 tỉ đô la cho pháo tự hành K9 vào tháng 12/2023 và một hợp đồng trị giá 1,64 tỉ đô la cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt Chunmoo vào tháng 4.

Ông Duda cho biết, ông hài lòng với vũ khí của Hàn Quốc được quân đội Ba Lan triển khai và nhấn mạnh tiềm năng mở rộng hợp tác.

“Chúng tôi muốn chứng kiến những vũ khí của Hàn Quốc được sản xuất tại Ba Lan trong tương lai và hi vọng rằng những vũ khí này có thể được xuất khẩu sang các nước châu Âu khác.”, nhà lãnh đạo Ba Lan nói.

leftcenterrightdel
  Đông đảo thanh niên Triều Tiên kí đơn tình nguyện nhập ngũ trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng. Nguồn: KCNA.

Trước đó, ngày 23/10, Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) và Nhà Trắng xác nhận, bước đầu khoảng 3.000 binh sĩ Triều Tiên đã được gửi đến miền Đông nước Nga để huấn luyện, với khả năng sẽ triển khai bổ sung để tham chiến ở Ukraine.

Ngày 18/10, NIS cho biết, Triều Tiên quyết định sẽ phái cử 12.000 binh sĩ, bao gồm các lực lượng đặc nhiệm thuộc 4 lữ đoàn, tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

NIS nói, từ ngày 8-13/10 đã phát hiện Triều Tiên đưa các lực lượng đặc biệt đến Nga bằng tàu vận tải của Hải quân Nga. Bốn tàu đổ bộ và 3 tàu hộ vệ từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã hoàn thành đưa 1.500 binh sĩ Triều Tiên sang Nga và sắp sửa tiến hành đợt gửi quân thứ hai.

Cùng ngày 18/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã triệu tập cuộc họp khẩn về an ninh nhằm đánh giá tình hình cũng như thảo luận các biện pháp đối phó.

Liên quan đến cáo buộc của phương Tây và Hàn Quốc về việc Triều Tiên phái binh sĩ hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, ngày 25/10, Đài KBS Hàn Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong buổi họp báo ngày 23/10, khẳng định, thông tin về việc phái cử binh sĩ của Triều Tiên là sai lệch và phóng đại.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh do phía Ukraine cung cấp quay cảnh những binh sĩ nói tiếng Triều Tiên đang nhận quân trang tại Nga, được cho là "bằng chứng" việc Bình Nhưỡng gửi quân tới Nga. Nguồn: SPRAVDI.

Bà Zakharova cho biết, Nga bất ngờ khi Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc thông báo kế hoạch đối phó trước việc điều quân của Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Seoul không nên bị lôi kéo bởi chính quyền “khủng bố” Ukraine. Moscow sẽ có biện pháp mạnh đối với bất kì hành động nào đe dọa an ninh và người dân Nga, hi vọng Seoul sẽ cân nhắc thận trọng và đưa ra quyết định hợp lí.
Mặc dù Hàn Quốc và Nga có quan điểm chính trị và địa chính trị khác nhau, nhưng hai nước đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác tốt trong các lĩnh vực kinh tế và nhân đạo. Vì vậy Seoul nên xem xét những hậu quả có thể xảy ra đối với an ninh quốc gia nếu tham gia vào cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine, bà Zakharova nói, mặt khác bày tỏ lo ngại về việc Kyiv liên tục yêu cầu Seoul cung cấp vũ khí sát thương, đồng thời khẳng định hợp tác quân sự giữa Nga-Triều không gây tổn hại đến Hàn Quốc.

Trong một tin tức liên quan, ngày 15/10, hãng thông tấn Sputnik dẫn phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko, cho biết, Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên, dự luật mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình lên Duma Quốc gia phê chuẩn, liên quan đến việc đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả hỗ trợ quân sự, trong trường hợp có hành vi xâm lược xảy ra với một trong hai nước.

“Điều 4 Hiệp ước liên quan chính xác đến vấn đề hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xâm lược. Trong trường hợp xảy ra xâm lược đối với một trong các bên, các bên sẽ cung cấp cho nhau mọi hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả hỗ trợ quân sự. Nếu hành động gây hấn chống lại Triều Tiên được thực hiện thì theo luật pháp của Triều Tiên, tất cả các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện.”, ông Rudenko nói.

Văn Phong/Yonhap, KBS, Sputnik