Ngày 10/11, truyền thông Nga dẫn thông tin từ Điện Kremlin, cho biết, Tổng thống nước này Vladimir Putin đã kí một đạo luật phê chuẩn thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên.

Tin nói, trong thời gian chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng vào ngày 18-19/6, Nga và Triều Tiên đã kí kết thỏa thuận mới về đối tác chiến lược toàn diện.

Đáng chú ý, Điều 4 tài liệu nêu rằng, nếu một trong các bên bị một hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và thấy mình đang trong tình trạng chiến tranh, thì bên kia sẽ lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và những giúp đỡ khác bằng mọi phương tiện mà mình hiện có, tương ứng với Điều 51 của Hiến chương LHQ và phù hợp với luật pháp của Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên.

Ngoài ra, theo Điều 8 của thỏa thuận, các bên sẽ tạo lập cơ chế về tiến hành hoạt động chung nhằm mục tiêu tăng cường năng lực quốc phòng vì lợi ích ngăn chặn chiến tranh và bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Nga Vladimir Putin kí một đạo luật phê chuẩn thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện Nga- Triều Tiên. Ảnh: Sputnik / Mikhali Klimentyev.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng đã lên tiếng đáp lại thông tin của truyền thông Hàn Quốc và phương Tây nói, Triều Tiên đã gửi nhiều ngàn binh sĩ hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

“Tôi muốn nói rằng đây là quyết định có chủ quyền của chúng tôi, và chúng tôi sẽ sử dụng thứ gì đó hay là không, sử dụng ở đâu, bằng cách nào, chúng tôi có cần không, hay là chẳng hạn chúng tôi chỉ tiến hành diễn tập chung, đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm v.v... Đó là việc của chúng tôi. Giống như chúng tôi luôn được thông báo rằng đó là việc của chính quyền Ukraina, làm thế nào nước này sẽ đảm bảo an ninh của mình, với NATO hay là không có NATO.”, ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossyia 1.

Trong một cuộc họ báo sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, không hề có gì bất thường về thoả thuận giữa hai quốc gia có mối quan hệ truyền thống, bao gồm về các vấn đề an ninh.

“Không hề có gì khác lạ hay bất thường khi hai quốc gia là những nước có lịch sử quan hệ láng giềng tốt đẹp, thỏa thuận và đồng ý với nhau về sự hiệp lực cơ bản trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả những nội dung liên quan đến an ninh của chính họ.”, bà Zakharova nói.

Văn Phong/Sputnik