Ngày 14/10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) đã chỉ thị yêu cầu các đơn vị pháo binh ở khu vực gần biên giới, cũng như những đơn vị thực hiện nhiệm vụ hỏa lực chủ lực, phải chuẩn bị sẵn sàng tác chiến.

Theo tuyên bố của người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu KPA, ngày 12/10, cơ quan này đã ban hành chỉ thị tác chiến sơ bộ, trong đó lệnh cho 8 lữ đoàn pháo binh được trang bị đầy đủ theo biên chế thời chiến, triển khai dọc biên giới và phải chuyển sang trạng thái sẵn sàng khai hỏa trước 20h ngày 13/10 và hoàn tất các công tác chuẩn bị chiến đấu.

Động thái bất ngờ diễn ra sau khi Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc cố tình vi phạm chủ quyền miền Bắc, thông qua việc xâm nhập bằng máy bay không người lái (drone) vào thủ đô Bình Nhưỡng, gây ra “căng thẳng quân sự nghiêm trọng” trên bán đảo Triều Tiên.

leftcenterrightdel
 Triều Tiên tung bằng chứng drone của Hàn Quốc xâm nhập không phận nước này ngày 9/10. Ảnh: KCNA.

Bộ Tổng tham mưu KPA nhận định, khả năng các drone của Hàn Quốc tiếp tục xâm nhập khu vực biên giới và không phận thủ đô Bình Nhưỡng là rất cao.

Do vậy, các đơn vị quân đội Triều Tiên được lệnh trực chiến, tăng cường phòng bị, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt là lập tức tấn công các mục tiêu nếu miền Nam tiếp tục có các hành động tái diễn.

Theo KCNA, chỉ thị cũng của Bộ Tổng tham mưu KPA cũng yêu cầu các đơn vị quân đội ở mọi cấp tăng cường giám sát tại biên giới trong tình trạng báo động cao, đồng thời tăng cường các trạm radar phòng không ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Cùng ngày 13/10, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong đã lên tiếng chỉ trích Seoul “không nhận thức rõ tình hình” và yêu cầu quân đội Hàn Quốc ngăn chặn các hành vi xâm phạm không phận miền Bắc.

leftcenterrightdel
 Lực lượng pháo binh Triều Tiên trong một cuộc tập trận vào đầu tháng 3. Ảnh: KCNA.

Bộ Quốc phòng Triều Tiên khẳng định, drone đã xâm nhập không phận Bình Nhưỡng không phải là loại do một tổ chức dân sự có thể phóng đi, mà là do quân đội miền Nam điều khiển. Và đây là một hành động khiêu khích chiến tranh rõ ràng và miền Bắc sẽ có những hành động đáp trả phù hợp.

Ngày 12/10, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong đã đưa ra cảnh báo nói, một “thảm kịch khủng khiếp” sẽ xảy ra một khi drone của Seoul tái  xuất hiện trên bầu trời Bình Nhưỡng.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó đã lên tiếng đáp trả, nói rằng, ngày Triều Tiên thực hiện các hành động ảnh hưởng đến an toàn của người dân và an ninh của quốc gia, chính là ngày chế độ miền Bắc sụp đổ.

Trong một diễn biên liên quan, tại buổi họp báo thường kì của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 14/10, người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Lee Sung-jun cho biết, Triều Tiên có khả năng đang tiến hành các hành động phô trương nhằm thay đổi cục diện, như phóng tên lửa đẩy, phá dỡ các tuyến đường sắt liên Triều gồm các tuyến Gyeongui và Donghae, hay các động thái khiêu khích quy mô nhỏ. Do đó, quân đội miền Nam đang chuẩn bị đối phó với các khả năng này.  

leftcenterrightdel
 Vào đầu tháng 8, Triều Tiên tổ chức lễ chuyển giao 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật loại mới cho các đơn vị quân đội tiền tuyến ở biên giới với Hàn Quốc. Ảnh: KCNA.

Thiết bị giám sát của quân đội Hàn Quốc đã phát hiện Triều Tiên có các hoạt động cho phá nổ tuyến đường bộ liên Triều Gyeongui và Donghae, sau khi nước này tuyên bố cắt đứt hoàn toàn tuyến đường bộ liên Triều để tăng cường phòng thủ. 

Theo ông Lee, quân đội Hàn Quốc đã quan sát thấy miền Bắc đã lắp màn chắn trên đường để thực hiện công tác chuẩn bị phá hủy đường phía sau đó, có thể thực hiện sớm nhất là ngay trong ngày 14/10.

Quân đội miền Nam đã chỉ thị các lực lượng thực hiện cơ chế “hành động trước, báo cáo sau”. Trường hợp Bình Nhưỡng có “hành động khiêu khích”, Seoul sẽ “trừng phạt quyết liệt” trong khuôn khổ quyền tự vệ.

Trước đó, ngày 9/10, Bộ Tổng tham mưu Triều Tiên tuyên bố, từ thời điểm đó, nước này sẽ hoàn toàn cắt đứt các tuyến đường bộ và đường sắt nối với Hàn Quốc tại phía miền Bắc, và tiến hành xây dựng các công trình phòng thủ kiên cố để củng cố khu vực này.

leftcenterrightdel
 Quan sát của Hàn Quốc cho thấy Triều Tiên có biểu hiện phá hủy các tuyến đường bộ liên Triều. Ảnh: KBS.

Miền Bắc cũng đã gửi thông báo tới quân đội Mỹ về vấn đề liên quan để ngăn chặn xung đột bột phát. 

Cùng ngày, phía quân đội Triều Tiên cũng gửi thông báo cho Bộ Tư lệnh LHQ (UNC) với nội dung sẽ huy động lượng lớn nhân lực và thiết bị hạng nặng cho công tác xây dựng, đề nghị UNC đưa ra đối sách cần thiết một cách có trách nhiệm.

Kể từ cuối năm 2023, Bình Nhưỡng đã tiến hành các biện pháp nhằm cắt đứt các tuyến đường bộ và đường sắt kết nối hai miền Nam-Bắc.

Theo JCS, Triều Tiên đã rải mìn lá ở gần tuyến đường bộ liên Triều Gyeongui vào tháng 11 năm ngoái và chôn mìn ở tuyến đường sắt Donghae và tháng 12 cùng năm.

Đến tháng 3 năm nay, Triều Tiên cho dỡ bỏ hàng rào của tuyến đường bộ Donghae và tháo dỡ các cột đèn trên tuyến đường bộ Gyeongui một tháng sau đó, gỡ bỏ đường ray và tà vẹt của tuyến đường sắt Gyeongui trong tháng 5, phá bỏ nhà kho chứa tàu hỏa của tuyến Gyeongui vào tháng 8.

Văn Phong/KBS, KCNA