Ngày 5/4, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố hôm 4/4 của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, nói, Bình Nhưỡng kiên định phản đối chiến tranh và không coi Hàn Quốc là kẻ thù chính của mình.
Bà Kim Yo Jong phản ứng trước tuyên bố hôm 1/4 của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc khi gọi Triều Tiên là kẻ thù và nói về khả năng một đòn “tấn công phủ đầu” nhắm vào Bình Nhưỡng.
Bà Kim Yo Jong lưu ý, Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, không coi Hàn Quốc là mục tiêu và sẽ không tấn công bất cứ ai, dù chỉ một viên đạn, trừ khi Bình Nhưỡng bị tấn công. Tuy nhiên tình hình sẽ thay đổi nếu Hàn Quốc áp dụng chính sách đối đầu và thực hiện hành động quân sự như “tấn công phủ đầu”; cảnh báo việc “ra đòn trước” vào một quốc gia hạt nhân là một “giấc mơ rồ dại”!.
|
|
Tên lửa vũ trụ nhiên liệu rắn của Hàn Quốc được phóng lần đầu tiên hôm 30/3. Nguồn: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc / AP. |
Khi đó các lực lượng tác chiến hạt nhân Triều Tiên chắc chắn có nghĩa vụ thực hiện sứ mệnh của mình và Hàn Quốc sẽ không tránh khỏi một cuộc tấn công hủy diệt khủng khiếp không thể tưởng tượng.
“Nếu quân đội của cả hai miền giao chiến với nhau, cả bán đảo Triều Tiên sẽ phải hứng chịu những thảm họa khủng khiếp hơn cả thảm hỏa xảy ra nửa thế kỷ trước và sẽ không có bên chiến thắng.”, bà Kim Yo Jong, nhấn mạnh.
Tin tức liên quan, Hàn Quốc đang đặt mục tiêu chính thức ra mắt tên lửa vũ trụ nhiên liệu rắn vào năm 2025, sau khi thực hiện vụ phóng thử nghiệm đầu tiên vào ngày 30/3, nguồn tin từ một quan chức chính phủ cho biết hôm 4/4.
|
|
Tên lửa KSLV-II (hay Nuri) của Hàn Quốc. Ảnh: KARI / Lee Hyo-kyun. |
Seoul đang nhắm tới việc phóng tên lửa để đặt một vệ tinh nặng 500 kg vào quỹ đạo thấp của Trái đất ở độ cao 500 km vào năm 2025, theo quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
“Chúng tôi đang nhắm tới vụ phóng chính thức vào năm 2025. Để tiến tới điều đó, chúng tôi có thể cần thêm một, hai cuộc thử nghiệm nữa.”, nguồn tin cho biết.
Trước đó, ngày 30/3, Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) đã thử nghiệm một phương tiện phóng không gian nhiên liệu rắn từ một bệ phóng dưới nước ngoài khơi Taean, cách Seoul 150 km về phía tây nam, để kiểm tra một số khả năng theo thiết kế.
|
|
Tên lửa vũ trụ nội địa Nuri ba tầng, dài 47,2m, nặng 200 tấn được lắp đặt trên bệ phóng trong lần phóng thử đầu tiên ngày 21/10/2021. Ảnh: KARI / Lee Hyo-kyun. |
Vụ thử là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm đảm bảo khả năng tự chủ trong việc phóng và vận hành các vệ tinh quân sự, tăng cường các hoạt động do thám và giám sát từ trên không.
Trong mục tiêu đặt ra vào năm 2025, Hàn Quốc dự kiến sẽ chế tạo một tên lửa đẩy 4 giai đoạn, bao gồm 3 giai đoạn sử dụng động cơ nhiên liệu rắn và động cơ nhiên liệu lỏng cho giai đoạn cuối, để đưa một vệ tinh giám sát hỗn hợp quân- dân sự lên quỹ đạo.
Tuy nhiên, quan chức này bác bỏ suy đoán nói, Hàn Quốc có thể đang cố đẩy nhanh quá trình phát triển tên lửa để đối phó với hàng loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, bao gồm cả việc bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 3.
Tháng 10 năm ngoái, Hàn Quốc lần đầu tiên phóng tên lửa vũ trụ nội địa mang tên KSLV-II (hay Nuri- Thế giới) mang theo tải trọng mô hình nặng 1,5 tấn. Tên lửa Nuri dài 47,2m, nặng 200 tấn, được thiết kế để đưa vật nặng 1,5 tấn vào quỹ đạo cách Trái đất 600 - 800 km, trong tham vọng trở thành một cường quốc không gian, bắt đầu từ việc phát triển và phóng các vệ tinh để giám sát, điều hướng, thông tin liên lạc cho đến lĩnh vực khám phá vũ trụ, bao gồm tàu thăm dò Mặt trăng.