Triều Tiên đã bắn ít nhất một quả đạn 'không xác định' vào Biển Nhật Bản hôm thứ Ba, 28/9, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết.

Không có thông tin chi tiết được đưa ra về số lượng tên lửa và loại tên lửa được bắn thử. Thông thường, các đồng minh của Hàn Quốc thường chỉ đưa ra cảnh báo nếu họ tin rằng vụ thử là của một tên lửa đạn đạo.

Nếu quả đạn được xác nhận là tên lửa đạn đạo, nó sẽ đánh dấu lần phóng tên lửa đạn đạo thứ ba trong năm nay và là vụ thử vũ khí lớn thứ sáu được biết đến nếu tính đến các vụ phóng thử tên lửa hành trình.

Tuần trước, Phó Trưởng ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nói miền Bắc có thể tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên theo đề nghị của miền Nam và thậm chí thảo luận về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các điều kiện Seoul từ bỏ thái độ thù địch chống lại miền Bắc.

Vào ngày 15/9, Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa tầm ngắn, được cho là phiên bản Iskander, vào Biển Nhật Bản, diễn ra chỉ vài ngày sau khi phóng một loại tên lửa hành trình mới.

leftcenterrightdel
Ngày 15/9, lần đầu tiên Triều Tiên khai hỏa Trung đoàn tên lửa cơ động đường sắt. Ảnh: Yonhap. 

Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo News dẫn nguồn từ chính phủ nước này, cho biết, tên lửa được bắn có vẻ là tên lửa đạn đạo và đã rơi vào vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Trong khi theo hãng tin Sputnik của Nga, vụ phóng thử diễn ra chỉ vài phút trước khi đặc phái viên Kim Sung của Triều Tiên có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở New York, Mỹ.

Đại sứ Kim Sung phát biểu, khẳng định, không ai có thể phủ nhận quyền tự vệ và thử nghiệm vũ khí của CHDCND Triều Tiên, trước các chính sách thù địch của các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nếu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch, Triều Tiên cũng sẵn sàng đáp lại bất cứ lúc nào.

Ông Kim lưu ý, nếu Mỹ nghiêm túc trong vấn đề kết thúc chiến tranh Triều Tiên, họ nên từ bỏ chính sách thù địch, ngừng các cuộc tập trận nhằm vào CHDCND Triều Tiên cũng như triển khai vũ khí chiến lược.

Trước đó, vào 27/9, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington "sẵn sàng gặp CHDCND Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết và chúng tôi chắc rằng CHDCND Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với động thái tiếp cận của chúng tôi".

Tuần trước, khi phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi một tuyên bố chung về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh với Triều Tiên, chủ đề từng được hai miền đã thảo luận vào năm 2018. 

Về mặt nguyên tắc, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc năm 1953 bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Có những trở ngại lớn khi Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, trong khi Seoul đã tiếp tục tham gia các cuộc tập trận quân sự với Mỹ.

Huy Anh/Yonhap, Sputnik, Kyodo