Ông Assad đến Nga sau khi rời bỏ chức vụ
Ngày 9/12, hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các thành viên trong gia đình ông đã đến Moscow.
Nga cấp cho họ tư cách tị nạn vì lí do nhân đạo.
Theo nguồn tin, Nga luôn chủ trương tìm kiếm giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Ngoài ra, Nga cho rằng cần phải nối lại đàm phán dưới sự bảo trợ của LHQ.
“Các quan chức Nga đang liên lạc với đại diện của phe đối lập có vũ trang ở Syria, những người lãnh đạo phe này đã đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự và cơ quan ngoại giao của Nga ở Syria.”, nguồn tin lưu ý.
|
|
Ông Bashar al-Assad (bên trái) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, Nga ngày 21/11/2017. Nguồn: Điện Kremlin / AA. |
Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga hi vọng sẽ tiếp tục đối thoại chính trị vì lợi ích của người dân Syria và phát triển quan hệ song phương giữa Liên bang Nga và Syria.
Trước đó ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, sau khi đàm phán với một số bên tham gia cuộc xung đột ở Syria, ông Assad đã quyết định từ bỏ chức vụ và rời khỏi Syria, đưa ra chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, tuy nhiên Nga không tham gia vào cuộc đàm phán này.
“Do cuộc đàm phán giữa Bashar al-Assad và một số người tham gia cuộc xung đột vũ trang trên lãnh thổ Cộng hòa Ả Rập Syria, ông ấy quyết định rời khỏi chức vụ Tổng thống và rời khỏi đất nước, đưa ra chỉ thị tiến hành chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Nga không tham gia vào các cuộc đàm phán này.”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nói.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh phía Nga đang theo dõi các sự kiện kịch tính ở Syria với thái độ hết sức quan ngại.
|
|
Cảnh được cho người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hồi hương/@front_ukrainian. |
Sáng ngày 8/12, các chiến binh nổi dậy đã chiếm giữ Đài truyền hình nhà nước ở Syria, chấm dứt 13 năm nội chiến, lên sóng khẳng định họ đã thiết lập quyền kiểm soát đất nước.
Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali nói rằng, đất nước đã “bước sang một giai đoạn mới”. Ông và 18 Bộ trưởng vẫn ở Syria, tuy nhiên họ không biết Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng nước này hiện ở đâu.
Theo dữ liệu từ trang Flightradar, một chiếc máy bay của Syria đã cất cánh từ sân bay Damascus vào thời điểm thành phố này được cho là đã bị quân nổi dậy chiếm giữ.
Thủ tướng Jalali cho biết, ông đã thiết lập liên lạc với lãnh đạo phiến quân sau khi lực lượng này tiến vào Damascus.
Các căn cứ quân sự của Nga ở Syria đang trong tình trạng báo động cao!
Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các căn cứ quân sự của Nga ở Syria hiện đang trong tình trạng báo động cao, nhưng không có mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với an toàn của các cơ sở này.
Bộ này kêu gọi tất cả các bên liên quan từ bỏ việc sử dụng bạo lực và giải quyết mọi vấn đề quản trị thông qua các biện pháp chính trị
|
|
Căn cứ hải quân Tartous của Nga ở Syria. Nguồn : NASA. |
“Về vấn đề này, Liên bang Nga đang liên hệ với tất cả các nhóm đối lập ở Syria. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng ý kiến của tất cả các lực lượng tôn giáo trong xã hội Syria và ủng hộ các nỗ lực nhất trí thiết lập một tiến trình chính trị toàn diện dựa trên Nghị quyết 2254 đã được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua.”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Đối lập Syria kêu gọi thời gian chuyển tiếp 18 tháng trước cuộc bầu cử
Liên quan đến tình hình Syria, ngày 8/12, nói với truyền thông bên lề Diễn đàn Doha, ông Hadi Al-Bahra- Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria, người đứng đầu phe đối lập chính của Syria ở nước ngoài, nói, Syria nên có thời gian chuyển tiếp 18 tháng để thiết lập “môi trường an toàn, trung lập và yên bình” cho các cuộc bầu cử tự do.
Ông Al-Bahra nói rằng, Syria nên soạn thảo hiến pháp trong vòng 6 tháng, theo đó, cuộc bầu cử đầu tiên sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý.
|
|
Ông Al-Bahra, Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria. Ảnh: Reuters. |
“Hiến pháp sẽ nói rằng, chúng ta sẽ có hệ thống nghị viện, hệ thống tổng thống, hay hệ thống hỗn hợp? Và dựa trên điều này, chúng tôi sẽ tiến hành bầu cử và người dân sẽ chọn ra người lãnh đạo của mình.”, ông Al-Bahra nói, cho biết, phe đối lập đã yêu cầu các công chức nhà nước tiếp tục báo cáo công việc cho đến khi chuyển giao quyền lực và đảm bảo với họ rằng họ sẽ không bị làm hại.
Tình hình ở Syria diễn biến nhanh chóng trong bối cảnh có sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở Trung Đông, sau khi hàng loạt nhà lãnh đạo và chỉ huy chủ chốt của nhóm Hezbollah- tổ chức chính trị, vũ trang ở Lebanon do Iran hậu thuẫn, bị Israel ám sát.
Hai đồng minh chủ chốt của Syria là Nga và Iran đang tập trung vào những cuộc xung đột của riêng họ.
“Nó giống như hiệu ứng domino. Vì vậy, rõ ràng là ông Assad đã quyết định ra đi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng cũng hơi buồn. Ông ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình đã gây ra.”, ông Al-Bahra nói.