Ngày 29/11, hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Đại úy Oleg Ignasyuk- Phó Giám đốc Trung tâm hòa giải các bên tham chiến của Nga tại Cộng hòa Ả Rập Syria, cho biết, Lực lượng vũ trang Syria, với sự hỗ trợ của Lực lượng Không quân vũ trụ Nga, trong 24 giờ trước đó đã tiêu diệt hơn 400 phiến quân thuộc nhóm Jabhat al-Nusra (còn gọi là Hayat Tahrir al-Sham- HTS- bị Nga coi là tổ chức khủng bố), lực lượng đã tấn công các vị trí của quân Chính phủ Syria ở các tỉnh Aleppo và Idlib trong vài ngày qua.

“Kể từ 11h50’ ngày 27/11, các nhóm vũ trang bất hợp pháp liên kết với tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra đã tấn công lãnh thổ do Chính phủ Syria kiểm soát ở các tỉnh Aleppo và Idlib. Quân đội Syria đang chiến đấu kiên cường với sự hỗ trợ của Không quân Nga, gây tổn thất đáng kể về phương tiện và nhân lực cho phiến quân al-Nusra với ít nhất 400 chiến binh đã bị tiêu diệt.”,  Đại úy Ignasyuk cho biết.

Từ ngày 27/11, các nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni chống chính phủ Syria do HTS lãnh đạo đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào các thị trấn và làng mạc ở tỉnh Aleppo do chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad  kiểm soát.

leftcenterrightdel
 Lực lượng phiến quân giao tranh với quân đội Syria ở quận Rashidin, ngoại ô Aleppo, ngày 29/11. Ảnh: AFP.

Nhóm chiến binh tuyên bố, chiến dịch này nhằm đáp trả các cuộc không kích gia tăng trong những tuần gần đây của lực lượng Chính phủ nhằm vào các khu vực ở Idlib do quân nổi dậy kiểm soát.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, đến sáng 29/11, phiến quân đã giành quyền kiểm soát gần 550 km2 lãnh thổ ở hai tỉnh Idlib, Aleppo, phá vỡ các tuyến phòng thủ ở Hamdaniyya, New Aleppo và Zahra, tiến vào trung tâm thành phố Aleppo, thủ phủ tỉnh Aleppo và là đô thị lớn thứ hai Syria với 2,1 triệu dân.

Kênh truyền hình Ả Rập Al Jazeera có trụ sở tại Qatar nói, phiến quân đã kiểm soát vùng nông thôn phía tây tỉnh Aleppo và đang hiện diện gần trung tâm thành phố Aleppo, đồng thời kiểm soát đường cao tốc chiến lược M5.

Ngày 29/11, các nguồn tin từ cả hai phía ở Syria cho biết, ngày 28/11, máy bay chiến đấu của Nga và Syria đã pháo kích các khu vực do phiến quân chiếm giữ ở phía tây bắc Syria, trong nỗ lực đẩy lùi quân nổi dậy và tái kiểm soát các vùng lãnh thổ vừa bị đánh chiếm.

leftcenterrightdel
 Chiến binh HTS tiến vào thành phố Aleppo. Ảnh: Bakr Alkasem/AFP.

Các nguồn tin quân sự cho biết, ngày 30/11, chính quyền Syria đã đóng cửa sân bay Aleppo cũng như mọi con đường dẫn vào thành phố.

Đây là lần đầu tiên HTS quay trở lại Aleppo kể từ năm 2016, sau khi bị quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad  và các đồng minh là Nga, Iran và lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite đánh bật.

Giao tranh dữ dội giữa phiến quân và quân Chính phủ sau nhiều năm đã gây tổn thất lực lượng cho cả hai phía và cả dân thường.

Phó điều phối viên nhân đạo khu vực của LHQ về cuộc khủng hoảng Syria, David Carden, bày tỏ vô cùng quan ngại trước tình hình bạo lực đang diễn ra ở tây bắc Syria.

“Các cuộc tấn công liên tục trong ba ngày qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 27 thường dân, trong đó có cả trẻ em mới 8 tuổi.”, ông Carden nói.

leftcenterrightdel
Các chiến binh HTS được nói đã kiểm soát tuyến cao tốc huyết mạch M5 ở khu vực Zarbah, tây nam TP Aleppo ngày 29/11. Ảnh: Rami al Sayed/AFP.

Diễn biến ở tây bắc Syria diễn ra trong bối cảnh các đồng minh chính của chính quyền của Tổng thống Assad là Iran đang phải đối phó với Israel trong cuộc xung đột ở Gaza và Lebanon, trong khi Nga dồn sức cho cuộc xung đột với nước láng giềng Ukraine.

Phản ứng trước tình hình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ismail Baghai cáo buộc, những hành động gần đây của các nhóm khủng bố ở Syria là một phần trong kế hoạch của Tel Aviv và Washington nhằm gây bất ổn cho khu vực Tây Á, cũng như vi phạm trắng trợn các thỏa thuận của tiến trình Astana.

leftcenterrightdel
 Lực lượng phiến quân được cho đã có mặt ở TP Aleppo/ @ Huberton

Ông Baghai lưu ý, theo thỏa thuận giữa các bên bảo đảm tiến trình Astana (Ankara, Moscow và Tehran), vùng ngoại ô của các thành phố Aleppo và Idlib ở phía bắc và tây bắc Syria được coi là khu vực giảm leo thang, và “một cuộc tấn công của các nhóm khủng bố vào những khu vực này là sự vi phạm trắng trợn các thỏa thuận của tiến trình Astana”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác và phối hợp giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng của Syria, để “vô hiệu hóa âm mưu nguy hiểm này” và “kêu gọi các biện pháp quyết liệt và phối hợp để ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực”.

leftcenterrightdel
 Lực lượng phiến quân HTS ở ngoại ô phía tây Aleppo. Ảnh: AP

Ngày 29/11, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết, Moscow coi cuộc tấn công của phiến quân là hành vi vi phạm chủ quyền của Syria.

“Chúng tôi ủng hộ chính quyền Syria lập lại trật tự trong khu vực và khôi phục trật tự hiến pháp càng sớm càng tốt.”, ông Peskov nói.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia gần đây bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ với láng giềng Syria với lưu ý họ sẽ không “bỏ rơi” lực lượng đối lập ở Syria, cũng đã lên tiếng trước diễn biến ở quốc gia láng giềng phía nam.

leftcenterrightdel
 Giao tranh ở Syria đã gây những thương vong dân sự. Nguồn: SAMS.

Hôm 29/11, người phát ngôn Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Oncu Keceli cho biết, Ankara muốn tránh tình trạng bất ổn gia tăng trong khu vực, đồng thời cảnh báo các cuộc tấn công gần đây làm suy yếu các thỏa thuận giảm leo thang.

“Duy trì sự bình ổn ở Idlib và khu vực xung quanh, nằm ở điểm 0 của biên giới chúng tôi, là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.”, ông Keceli nói.

Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắc rằng, kể từ năm 2017, đã đạt được một số thỏa thuận liên quan đến khu vực giảm leo thang Idlib. Và, Thổ Nhĩ Kỳ “cố gắng đáp ứng” các yêu cầu của những văn kiện này.

leftcenterrightdel
 Thành phố Aleppo, thủ phủ tỉnh Aleppo và là đô thị lớn thứ hai Syria. Ảnh: Sputnik / Mikhail Alaeddin.

 Ông Kecheli lưu ý, trên thực tế, những cuộc đụng độ gần đây đã dẫn đến leo thang căng thẳng không mong muốn trong khu vực. Ông nhấn mạnh điều “vô cùng quan trọng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ là tránh đợt bất ổn mới và không để xảy ra tình huống nguy hiểm cho dân thường.

Nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Sunni Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ở Syria được thành lập vào năm 2017 từ sự hợp nhất giữa Mặt trận al-Nusrah (ANF) và một số nhóm nổi dậy khác.

HTS kiểm soát một phần lãnh thổ ở vùng tây bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu lật đổ chế độ của Tổng thống Assad và thay thế bằng một nhà nước Hồi giáo Sunni để tiến đến đạt được mục tiêu riêng của mình trong vai trò là một trong những tổ chức chân rết của al-Qaeda ở Syria. 

Văn Phong/Sputnik, Reuters, Dailysabah