Các Bộ trưởng Quốc phòng thuộc khối NATO tối 26/6 đã nhóm họp ở Brussel của Bỉ để thảo luận về các biện pháp ứng phó với việc Nga quyết không phá hủy tên lửa 9M729 Novator, vốn bị Mỹ cho là vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF), theo France 24.

leftcenterrightdel
Tên lửa Nga khai hỏa trong tập trận. Ảnh: EPA 

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay nhóm sẽ tiến hành một loạt biện pháp bao gồm cả quân sự lẫn chính trị để chống lại các nguy cơ tiềm tàng từ hệ thống tên lửa 9M729 Novator của Nga.

Ông Stoltenberg cũng úp mở khả năng điều chỉnh hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của khối đặt tại châu Âu nhằm chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ hệ thống tên lửa mới mà Moscow sở hữu.

Quan chức NATO không nói rõ loại lá chắn nào, song các chuyên gia nói rằng đó có thể là việc triển khai thêm hệ thống phòng thủ THAAD hoặc các bệ phóng Mk-41 của Mỹ ở châu Âu, loại thiết bị quân sự bị Nga cáo buộc vi phạm INF vì có thể sử dụng để khai hỏa tên lửa Tomahawk phiên bản mặt đất.

INF được Mỹ ký với Liên Xô, nay là Nga từ năm 1987, cấm hai nước sản xuất, vận hành tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km. Hiệp ước này có vai trò quan trọng giúp chấm dứt nghi kị giữa hai siêu cường quân sự hậu Chiến tranh Lạnh.

Năm ngoái, Mỹ cáo buộc tên lửa 9M729 Novator mà Nga mới ra mắt vi phạm INF để lấy cớ rút khỏi hiệp ước, song không đưa ra bằng chứng nào. Nga hồi tháng 2 cũng nói rằng Mỹ vi phạm INF khi triển khai bệ phóng tên lửa Mk41 tới châu Âu, vốn có thể sử dụng để phóng tên lửa Tomahawk phiên bản mặt đất.

Quan điểm của Mỹ được NATO ủng hộ. Trong bài phát biểu hôm 26/6, Stoltenberg nói rằng Nga sẽ phải chịu trách nhiệm nếu INF thực sự sụp đổ vào tháng 8 tới.

Cùng ngày, đáp trả tuyên bố của NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng việc NATO cố gắng mô tả về cái gọi là "biện pháp chính trị-quân sự" đáp trả các hành động của Nga về bản chất là cách đánh lạc hướng dư luận thế giới.

Ông Ryabkov khẳng định Nga không vi phạm INF và nhấn mạnh Moscow sẽ triển khai các biện pháp quân sự để đối kháng trước các mối đe doạ từ NATO.

Thái An