Israel sẽ nỗ lực trong vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine ngay cả khi khả năng thành công là khó khăn, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết hôm 6/3, sau khi trở về từ Moscow trong một cuộc hội đàm bất ngờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo Reuters, Ukraine đã đề nghị Israel làm trung gian hòa giải, cho rằng, Chính phủ Bennett có mối quan hệ tốt với cả Kyiv và Moscow. Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, ông Bennett đã nói chuyện 3 lần vào cuối tuần qua với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong bài phát biểu trước nội các, ông Bennett không thông tin chi tiết về cuộc gặp với ông Putin kéo dài 3 giờ tại Điện Kremlin hôm 5/3, chỉ nhấn mạnh, ông nhận được sự cổ vũ của tất cả các bên, ám chỉ cả Mỹ cùng các cường quốc khác. Thủ tướng Israel bày tỏ sẵn sàng vai trò ngay cả khi cơ hội chỉ là một khe cửa hẹp, bất chấp một số quan chức Mỹ tỏ ra hoài nghi, tin rằng, việc nói chuyện với ông Putin là.. "vô nghĩa".

leftcenterrightdel
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã có cuộc hội đàm bất ngờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow hôm 5/3. Ảnh: Sputnik / Evgeny Biyatov.

Hãng thông tấn Nga Sputnik đã gọi ông Bennett là “người hòa giải tiềm năng”.

Hai ông Bennett và Putin vốn đã thảo luận về ý tưởng hòa giải qua các cuộc điện đàm vào tuần trước. Tổng thống  Nga đã cảnh báo Israel không cung cấp bất kỳ vũ khí hay công nghệ quân sự nào cho phía Ukraine. Thủ tướng Israel yêu cầu nhà lãnh đạo Nga thiết lập các hành lang nhân đạo và cho phép những người muốn nhập cư vào Israel được rời khỏi Ukraine, nơi cộng đồng Do Thái có khoảng 200.000 người.

Ngay sau khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/3, Thủ tướng Israel đã lên đường tới Đức để gặp Thủ tướng Olaf Scholz. Trước đó ông Bennett cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron và Ukraine Volodymyr Zelensky.

Israel đã lên án việc Nga xâm lược Ukraine, bày tỏ tình đoàn kết với Kyiv và gửi viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, Chính phủ Bennett đã không đáp ứng yêu cầu hỗ trợ quân sự của Ukraine và vẫn để ngỏ các kênh liên lạc với Nga.

leftcenterrightdel
 Trong các cuộc thảo luận gần đây với nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ  Erdogan (trái) kêu gọi một "lệnh ngừng bắn chung khẩn cấp" tại Ukraine để giải quyết các vấn đề nhân đạo. Ảnh: Sputnik / Alexey Druzhinin.

Israel cũng từ chối yêu cầu của Ukraine về việc cấm cửa 9 hãng truyền thông Nga, cho rằng không có lý do để chặn các cơ quan thông tin này, nhất là trong môi trường của một nền dân chủ.

Liên quan đến các nỗ lực hòa giải, ngày 6/3, Sputnikđưa tin, Tổng thống Nga Putin đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine để bảo vệ Donbass sẽ chỉ chấm dứt nếu các lực lượng Ukraine “ngừng các hành động thù địch” và đồng ý thực hiện các yêu cầu của Moscow về việc “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine.

Điện Kremlin cũng bày tỏ sự sẵn sàng của phía Nga trong việc đối thoại với chính quyền Ukraine và với các đối tác khác để giải quyết xung đột.

Văn Phong/Reuter, Sputnik