EU đã quyết định đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Đông Địa Trung Hải với Hy Lạp, do những diễn biến tích cực trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng của khối hôm 25/1, tờ  Dailysabah của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.

Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nói, EU không quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bởi thấy rằng, đang có những diễn biến tích cực từ phía Ankara.

"Không còn tàu Thổ Nhĩ Kỳ ở các khu vực tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải nữa; các cuộc đàm phán thăm dò giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã bắt đầu tại Istanbul. Đó là những tín hiệu tích cực mà chúng tôi đã chờ đợi từ lâu, giờ không nên căng thẳng bởi các biện pháp trừng phạt.”, ông Mass nói.

Tuy nhiên EU nhấn mạnh, Ankara phải thực hiện tốt các quyết định ngoại giao của mình. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối Josep Borrell, lưu ý, các biện pháp trừng phạt chưa sẵn sàng, nhưng cũng chưa bị bãi bỏ.

leftcenterrightdel
 Tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels ngày 10/12, các nhà lãnh đạo EU đã quyết định đưa ra các biện pháp để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Pháp, Hy Lạp và chính quyền Síp của Hy Lạp đã nỗ lực thúc đẩy một đường lối cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia EU khác do Đức dẫn đầu cho đến nay vẫn để ngỏ cách tiếp cận ngoại giao.

Nỗ lực trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ đã dịu đi đáng kể khi Ankara và EU lên tiếng mong muốn "lật sang một trang mới". Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã nhắc lại rằng, họ là một phần của khối và nhìn thấy tương lai của mình ở EU, trong khi nước này sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới tư cách thành viên đầy đủ. 

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng, họ hy vọng sẽ đạt được những tiến bộ ngoại giao với Hy Lạp vào năm 2021 và mong đợi khối sẽ có hành động dứt điểm để giải quyết vấn đề này.

Gần đây nhất, hôm 25/1, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã khởi động cuộc tiếp xúc ngoại giao trực tiếp đầu tiên sau gần 5 năm, để giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền chủ quyền ở Đông Địa Trung Hải.

leftcenterrightdel
Tàu Oruc Reis được hộ tống bởi tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Địa Trung Hải ngày 10/8/2020. Ảnh AFP. 

Hai nước bắt đầu các cuộc đàm phán để thảo luận về các vấn đề ở Đông Địa Trung Hải từ tháng 3/2002, trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hài hòa, bền vững và bao trùm. Đàm phán thường xuyên được tổ chức với tổng số 61 cuộc cho đến năm 2016.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu, người đã đến Brussels vào tuần trước để gặp các quan chức hàng đầu của EU, cho biết, Ankara đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết.

Căng thẳng Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ leo thang, tiềm ẩn xung đột sau khi Ankara đưa tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis với nhiều tàu chiến tháp tùng, tiến hành thăm dò dầu khí từ ngày 10/8/2020 tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải được Athens tuyên bố chủ quyền.

Các bên cũng đã triển khai tàu chiến cũng như thực hiện các cuộc tập trận, trong đó bên phía Hy Lạp có sự ủng hộ của Pháp và Ai Cập,...

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên NATO, trong khi chỉ Hy Lạp là thành viên EU. Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập EU từ lâu nhưng đến nay, tư cách thành viên của Ankara vẫn chưa thành hiện thực.

Huy Anh