“Kanal Istanbul sẽ đóng vai trò là một tuyến đường thủy quốc tế, bổ sung hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ trong giao thương hàng hải toàn cầu. Thời gian khởi động dự án sẽ rất gần.”, ông Karaismailoğlu tuyên bố trong một cuộc họp tại thủ đô Ankara.
Trước đó hôm 27/3, Bộ trưởng Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum nói, các kế hoạch phát triển kênh đào đã được phê duyệt.
“Kế hoạch phát triển Dự án Kanal Istanbul đã được phê duyệt và hiện đang được đưa ra tham khảo ý kiến cộng đồng.”, ông Kurum cho biết.
Kênh đào sẽ nối Biển Đen ở phía bắc Istanbul với Biển Marmara ở phía nam, được thiết kế như một tuyến vận tải toàn cầu, ước tính trị giá khoảng 9,2 tỷ USD.
|
|
Kanal Istanbul là tuyến kênh mới song song với eo biển Bosphorus, sẽ là tuyến vận tải đường thủy mới nối biển Đen với Biển Marmara. Ảnh: GM. |
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ giảm bớt giao thông hàng hải trên eo biển Bosporus, một trong những con đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới và ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự như vừa xảy ra trên kênh đào Suez, Ai Cập. Với hậu quả nặng nề, sự cố tại kênh đào Suez là động lực để Ankara quyết định đẩy nhanh triển khai dự án Kanal Istanbul, dự án hạ tầng khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ vốn được công bố vào năm 2011.
Kanal Istanbul là một trong những siêu dự án chiến lược nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng các tàu chở hàng nguy hiểm qua eo biển Bosporus.
Kênh đào dài 45 km, sẽ được xây dựng trên hành lang Küçükçekmece-Sazlıdere-Durusu của Istanbul, có khả năng lưu tông 160 tàu mỗi ngày.
|
|
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich của Nga từ Biển Đen vượt qua eo biển Bosphorus hướng tới Địa Trung Hải. Ảnh: Live Journal. |
Dự án nhằm mục đích giảm áp lực lên eo biển Bosporus, ngăn ngừa tai nạn tàu thuyền đồng thời giảm thiểu rủi ro và nguy hiểm, đặc biệt là những tai nạn liên quan đến tàu chở dầu.
Ông Kurum lưu ý, Bosporus là một thành phố di sản, một bảo tàng ngoài trời với kiến trúc và biệt thự lịch sử. Bản thân eo biển đã là một kỳ quan thiên nhiên. Dự án Kanal Istanbul sẽ giúp giảm bớt rủi ro cho di sản này.
Liên quan đến dự án này, ngày 30/3, tờ Avia.pro của Nga nói, Thổ Nhĩ Kỳ có ý định chấm dứt tham gia Công ước Montreux, trong đó ngụ ý hạn chế việc tàu chiến Nga từ Biển Đen qua lại Địa Trung Hải. Điều này chủ yếu là do Thổ Nhĩ Kỳ có ý định xây dựng một con kênh thứ hai, cho phép Ankara cấm tàu Hải quân Nga đi vào Biển Địa Trung Hải, đồng thời cho phép các tàu NATO “tung hoành” ở Biển Đen với lực lượng không giới hạn.