Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 31/5, việc tàu Iran hiện diện ở các vùng biển quốc tế là bình thường và là quyền của nước này theo luật pháp quốc tế. Không quốc gia nào có thể xâm phạm quyền này.

Ông Khatibzadeh cảnh báo các quan chức Mỹ không nên "tính toán sai lầm".

Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đang theo dõi hai tàu hải quân Iran, gồm một tàu khu trục và tàu sân bay trực thăng Makran, đang di chuyển dọc theo bờ biển phía đông của châu Phi hướng về phía nam, khả năng điểm đến cuối cùng là Venezuela. Các nguồn thạo tin giấu tên nói, đây là một "động thái khiêu khích" vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran.

leftcenterrightdel
 Tàu sân bay trực thăng Makran, chiến hạm tự đóng lớn nhất và mới nhất của Hải quân Iran. Ảnh: Fars.

Các quan chức Mỹ nói, ý định của Iran trong việc gửi các tàu theo hướng Tây bán cầu, cũng như hàng hóa gì trên các tàu này vẫn còn là một dấu hỏi.

Iran và Venezuela cùng là hai quốc gia đang đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ, đã thắt chặn quan hệ trong vài năm qua, với các dự án hợp tác từ lĩnh vực xăng dầu đến sản xuất ô tô và xi măng. Các quan chức Mỹ đã theo sát mối bang giao này với nhiều mức độ lo ngại khác nhau.

Mỹ cảnh báo, việc Caracas chào đón các tàu chiến Iran sẽ là một sai lầm.

leftcenterrightdel
Tàu Makran có thể mang theo 7 máy bay trực thăng. Nguồn: Hải quân Iran. 

Vào cuối năm ngoái, chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ ở Trung và Nam Mỹ, đô đốc Craig Faller, đã mô tả sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Iran ở Venezuela là “đáng báo động và đặc biệt đáng lo ngại”.

Sự hiện diện của các tàu chiến Iran ở khu vực “sân sau” của Mỹ được xem là một thách thức đối với chính quyền của Mỹ trong khu vực, điều được nói có thể tạo áp lực đưa đến quyết định của Tổng thống Joe Biden mở lại các cuộc đàm phán với Tehran.

Theo truyền thông Iran, tàu Makran dài hơn 230m, hoàn toàn sản xuất trong nước, được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 1 năm nay, là một trong những tàu chiến hiện đại và lớn nhất của nước này.

leftcenterrightdel
Tàu chở máy bay trực thăng và máy bay không người lái Shahid Roudaki của Hải quân Iran. Ảnh: Fars.  

Tàu có thể mang theo 7 máy bay trực thăng và một số máy bay không người lái, được thiết kế để hỗ trợ hậu cần cho các nhiệm vụ của Hải quân ở các vùng biển xa, chẳng hạn như phần phía bắc của Ấn Độ Dương, eo biển Bab al-Mandab và Biển Đỏ. Những hình ảnh đầu tiên của tàu Makran đã xuất hiện trong cuộc diễn tập bắn tên lửa kéo dài 2 ngày 13-14/1 của Hải quân Iran trên biển Oman và Bắc Ấn Độ Dương.

Makran có thể đóng vai trò như một nền tảng cho các nhiệm vụ tác chiến điện tử và các xứ mệnh đặc biệt, cũng như khả năng mang tên lửa và vũ khí. Cùng với việc hiện đại hóa đội tàu và tuyên bố tăng cường hiện diện quân sự tại các vùng biển quốc tế, Iran có ý định thiết lập căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương.

Huy Anh/Politico, Fars