Quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp, theo một thông báo của chính phủ được công bố vào cuối ngày 17/7, khi chính quyền tìm cách dập tắt bất ổn xã hội và giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang bao trùm quốc đảo.
Theo sắc lệnh được công bố, tình trạng khẩn cấp được đưa ra là cấp thiết, vì lợi ích của công chúng để “Bảo đảm trật tự công cộng và duy trì các hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng”.
|
|
Tổng thống tạm quyền Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, ứng cử viên Tổng thống kế nhiệm, người đang đối mặt với yêu cầu của người biểu tình đòi ông từ chức. Ảnh: Reuters. |
Tình hình chính trị ở Sri Lanka bất ổn trong nhiều tháng với làn sóng biểu tình được kích hoạt bởi khủng hoảng kinh tế trầm trọng, với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.
Đỉnh điểm là bạo loạn hôm 9/7 tại thủ đô Colombo với cả trăm ngàn người xuống đường. Hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào chiếm giữ tư dinh Tổng thống và đốt phá dinh thự của Thủ tướng.
Ngày 13/7, Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, đã bay đến Maldives, được cho là để tránh bị bắt giữ sau khi ông từ chức.
|
|
Nhân viên an ninh đứng gác bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Colombo, Sri Lanka, ngày 16/7. Ảnh: Reuters / Adnan Abidi. |
Ngày hôm sau, 14/7, từ Maldives ông cùng vợ và 2 vệ sĩ đã bay đến Singapore, nơi ông có đơn từ chức như cam kết và được Quốc hội Sri Lanka chấp thuận hôm 15/7.
Quốc hội Sri Lanka đã nhóm họp vào 17/7 để bắt đầu quá trình bầu một tổng thống mới.
Thủ tướng Wickremesinghe, người hiện là Tổng thống tạm quyền, một đồng minh của Tổng thống bị lật đổ Rajapaksa, là một trong những ứng cử viên hàng đầu để đảm nhận chức vụ Tổng thống mới. Tuy nhiên, những người biểu tình đang đòi ông từ chức, tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh để buộc ông không những phải rời khỏi chính trường mà còn phải bị trừng phạt cho những gì ông đã gây ra.