Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn cảnh báo tỷ lệ lạm phát tại Venezuela có thể vượt mức 1.000.000% trong năm nay.

Ngày 20/8, các ngân hàng tại Venezuela đóng cửa để tung ra đồng bolivar mới. Vậy siêu lạm phát là gì và nó tác động thế nào tới nền kinh tế quốc gia "bị tấn công"?

leftcenterrightdel
 Ngày 16/8, 2,4kg thịt gà tại Venezuela đạt mức giá 14,6 triệu bolivar (khoảng 1.360.000 đồng). Ảnh: Reuters

Siêu lạm phát là gì

Đây là thuật ngữ để miêu tả tình trạng giá cả tăng vượt kiểm soát, kèm theo đó là giá trị đồng nội tệ sụt giảm dẫn tới việc người tiêu dùng buộc phải mang theo lượng tiền lớn chỉ để mua những vật dụng thiết yếu hàng ngày.

Theo lý thuyết, giá cả thường dao động dựa theo cung và cầu. Và siêu lạm phát xảy ra khi giá cả tăng phi mã.

Khó khăn thường ập tới khi nguồn cung tiền mặt vượt qua nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ khiến giá trị đồng tiền “tụt dốc”. Đâu là hậu quả của việc chính phủ in ấn đồng tiền mới đưa vào thị trường vượt qua mức ngân sách thu từ thuế.

Nhà kinh tế học người Mỹ Phillip Cagan (1937-2012) cho rằng khi giá cả tăng hơn 50%/tháng thì đó có thể coi là khởi đầu của thời kỳ siêu lạm phát.

Siêu lạm phát ảnh hưởng thế nào tới kinh tế?

Siêu lạm phát có thể tác động tới khả năng mua và dẫn tới tâm lý tích trữ hàng hóa do người tiêu dùng lo ngại giá cả tiếp tục tăng. Điều này kéo theo tình trạng thiếu hụt hàng hóa và đẩy giá cả tăng cao.

Siêu lạm phát còn kèm theo tình trạng khan hiếm hàng hóa trong khi thị trường chợ đen lại lớn mạnh hơn.

Tờ The Times (Mỹ) đưa tin các siêu thị tại Venezuela thậm chí đã gạt bỏ phần giá khỏi các kệ hàng. Trong khi đó người Venezuela chuyển sang mua hàng hóa bằng thẻ thay vì tiền mặt bởi hiện nay để mua những mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, thịt... họ thường phải mang theo cả cọc tiền lớn. Đơn cử là theo tờ Guardian (Anh), 1kg gạo tại Venezuela hiện nay có mức giá 2,5 triệu bolivar (khoảng 233.000 đồng).

leftcenterrightdel
 1 kg gạo có mức giá 2,5 triệu bolivar. Ảnh: Reuters

Siêu lạm phát trong lịch sử

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã phải đối mặt với siêu lạm phát. Zimbabwe cũng gặp siêu lạm phát “khủng” khiến quốc gia châu Phi này phải từ bỏ đồng nội tệ trong năm 2009 và chuyển sang USD.

Cách thoát khỏi siêu lạm phát

Các chính phủ có thể áp dụng kiểm soát giá để xử lý thời kỳ siêu lạm phát. Từ bỏ đồng nội tệ và thay bằng đồng tiền mới hoặc ngoại tệ có thể là một giải pháp.

Các chính phủ cũng cần phục hồi tình trạng ổn định qua cải cách kinh tế và cam kết giảm cung tiền mặt. Thúc đẩy phát triển kinh tế để cân bằng thâm hụt ngân sách cũng là một trong những giải pháp thích hợp.

Hà Linh/Báo Tin tức